Từ bức ảnh O du kích nhỏ của Phan Thoan tới tới trường phái  hội họa Hình tượng tường thuật ở Pháp

(Nguyễn Thị Sông Hương)

« Vietnam. La Bataille du riz » (Việt Nam. Cuộc chiến cơm áo) của Gilles Aillau, 1968, tranh 200 x 200

Bức tranh sơn dầu Vietnam. La bataille de riz  (tạm dịch là Việt Nam. Cuộc chiến cơm áo của Gilles Aillaud, hoạ sĩ Pháp theo xu hướng Hình tượng tường thuật (Figuration narrative) vẽ vào năm 1968, lấy hình mẫu và cảm hứng từ bức ảnh O du kích nhỏ (1965) của nhiếp ảnh gia Phan Thoan, Hà Tĩnh (*).

Trên ngực áo của người lính Mỹ bị bắt trên bức tranh có ghi “Robinson », «US Air Force». Đó là William Andrew Robinson, nhân viên Mỹ trên máy bay trực thăng HH-43 Huskie có nhiệm vụ giải cứu phi công của một chiếc máy bay F-105 bị bắn rơi tại Hương Khê, bị bắt tại Hà Tĩnh ngày 20 tháng 9 năm 1965 và là người tù binh bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ, 2703 ngày, tới tháng 2 năm 1973 mới được thả. Robinson hiện sống tại Madisonville, thuộc bang Kentucky, Mỹ.

“O du kích nhỏ” là nữ dân quân Nguyễn Thị Kim Lai, ở Hà Tĩnh.
Robinson và o du kích Kim Lai đã có dịp gặp lại nhau vào năm 1995 khi Robinson tham gia một phóng sự của truyền hình Nhật Bản.

O du kich nho.jpg
O du kích nhỏ“ – ảnh của Phan Thoan

Bức ảnh O du kích nhỏ do nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan chụp, lúc đầu có tên là Uy thế không lực Hoa Kỳ về sau bức ảnh còn có những cái tên khác như Giải giặc lái Mỹ hay O du kích nhỏ và tên giặc lái Mỹ. Ra đời trong bối cảnh không quân Mỹ oanh tạc dữ dội miền Bắc Việt Nam, bức ảnh người nữ dân quân nhỏ bé áp giải tù binh Mỹ cao lớn, đã gây được tiếng vang lớn và, có sức lan tỏa đặc biệt. Năm 1967 bức ảnh được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam và phát hành khắp thế giới. Năm 1968, bức ảnh đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi ảnh của Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Sofia (Bulgaria), và được đăng ở nhiều nước như Liên Xô cũ, Cuba, Đức… Họa sĩ Gilles Aillaud vẽ bức tranh Việt Nam. Cuộc chiến cơm áo cùng năm đó.

Tem thư “O du kích nhỏ” năm 1967 (Nguồn ảnh : internet)

So với tấm ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Phan Thoan, bức tranh vẽ của Gilles Aillaud khác phần phông nền. Hình ảnh « O du kích nhỏ giương cao súng” được đặt trên nền phông cánh đồng lúa và cảnh cấy lúa, cảnh đàn trâu ra đồng. Người nghệ sĩ Hình tượng tường thuật băn khoăn về vai trò của nghệ thuật đối với tương lai của thế giới đã chủ đích thêm cảnh này vào tạo nên sự tương phản. Cánh đồng lúa, một hình ảnh thanh bình của làng quê Việt Nam đang bị đe doạ bởi thế lực bên ngoài. “Cuộc chiến cơm áo” theo tên gọi ở đây, là cuộc chiến để bảo vệ sự thanh bình đó, cuộc chiến để giành lại những gì bình thường thiết thực nhất, để bảo vệ cuộc sống thường ngày của những người dân trên một đất nước đang bị xâm lăng. Bức tranh thể hiện sự đối lập giữa một người phụ nữ nhỏ bé và một người đàn ông cao lớn, giữa phong cảnh, con người, đất nước Việt Nam và một kẻ lạ bên ngoài, giữa cảnh thanh bình và thế lực thù địch, giữa nền văn minh lúa nước và bạo lực chiến tranh, giữa dáng vẻ hiên ngang và sự khuất phục, giữa người bảo vệ công lý và kẻ phạm tội… Hình ảnh nhân vật thẳng trên nền dọc của bức tranh tương phản với những đường vạch ngang của cánh đồng lúa. Cảnh nền tĩnh phía sau ngược với chuyển động của nhân vật ra phía trước.

 Bức tranh Việt Nam. Cuộc chiến cơm áo được trưng bày tại cuộc triển lãm Hình tượng tường thuật – Paris 1960-1972 tại Cung Nghệ thuật lớn Paris (Grand Palais) năm 2008.
Xu hướng hội hoạ Hình tượng tường thuật xuất hiện ở Pháp vào những năm đầu thập kỉ 60 của thế kỉ trước, vào giai đoạn căng thẳng chính trị quốc tế: chiến tranh Algeria, các sự kiện Chiến tranh Lạnh, chiến tranh Việt Nam, cuộc xung đột Ả Rập Israel, cái chết của Che, vụ Ben Barka, sự kiện Tháng 5 năm 1968 ở Pháp… Các nghệ sĩ đã sử dụng nghệ thuật để bày tỏ sự bất bình, “không thể kiềm chế.”. Đối với Gilles Aillaud, tác giả của Việt Nam .Cuộc chiến cơm áo, điều quan trọng là phải “đối mặt với mối quan tâm ý thức hệ chứ không phải là vấn đề thẩm mỹ”.

Mặc dù Hình tượng tường thuật không tuyên bố như một trào lưu, nhưng xu hướng này được đánh dấu bởi cuộc triển lãm ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris năm 1964 Những câu chuyện thần thoại hàng ngày (Mythologies quotidiennes), tiêu đề lấy từ tên một cuốn sách của Roland Barthes. Một thời gian sau, các nghệ sĩ Emile Aillaud, Eduardo Arroyo, Henri Cueco, Antonio Recalcati et Gérard Tisserand, đặt mục tiêu đưa nghệ thuật trở thàn công cụ biến đổi xã hội đã khẳng định một bước tiến của Hình tượng tường thuật.

Tranh vẽ tập thể « Vivre et laisser mourir, ou la fin tragique de Marcel Duchamps » (Sống và rồi để chết, hay kết cục bi thương của Marcel Duchamps) của Gilles Aillaud,, Eduardo Arroyo và ARROYO, Antonio Reccalcati – 1965, tranh 162 x 130 cm

Hình tượng tường thuật là nghệ thuật nhập cuộc, đối lập với nghệ thuật trừu tượng, đối lập với trào lưu Pop Art ở Mỹ, phản đối “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Các nghệ sĩ đặt xã hội đương đại vào trung tâm của nghệ thuật. Chủ đề của Hình tượng tường thuật là cảnh đời sống hiện thực hằng ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và chính trị.
Họa sĩ Gilles Aillaud sinh năm 1928, mất năm 2005 ở Paris. Trong suốt thời đi học cho đến năm 1945, ông vẽ mỗi ngày một bức tranh. Năm 1946,1947 ông học triết học. Năm 1949 ông trở lại với hội hoạ. Vào những năm 1950 ông thường vẽ chim và cảnh biển. Năm 1952 ông tổ chức cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên. Năm 1965, Gilles Aillaud trở thành chủ tịch Phòng tranh trẻ. Ông tham gia thực hiện các bức tranh tập thể với Eduardo Arroyo và Antonio Recalcati, Niềm đam mê trong sa mạc (Une passion dans le désert), Sống và rồi để chết hay kết cục bi thương của Marcel Duchamps (Vivre et laisser mourir ou la fin tragique de Marcel Duchamp). Đặc biệt bức tranh Sống và rồi để chết hay kết cục bi thương của Marcel Duchamps là tranh liên kết 8 bức hoạ, đồng kí tên các tác giả, sáng tác năm 1965 vào dịp triển lãm Hình tượng tường thuật trong nghệ thuận hiện đại ở phòng tranh Creuze ở Paris và hiện nay đang được trưng bày ở bảo tàng Reina Sofia ở Madrid. Các tác giả của những bức tranh này đã chỉ trích việc Marcel Duchamp (hoạ sĩ trường phái Nghệ thuật khái niệm) từ chối “nhập cuộc”. Họ là những người thực hiện thực hiện hội hoạ chính trị, họ muốn tác phẩm của họ phải đi vào thực tế cuộc sống chứ không phải như trưng bày bảo tàng. Trong mắt họ, Marcel Duchamp xa lánh hiện thực, như thể chỉ cần chạm vào một vật thể để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Aillaud giải thích trong lời nói đầu của tác phẩm: “Đối với chúng tôi, những người có ý định thể hiện mình là những cá nhân thực sự trong thời gian và không gian, vấn đề không phải là sáng tạo hay khám phá những hình thức thể hiện nghệ thuật mà hướng về tư duy nhiều hơn”.

(*) Nhiếp ảnh gia Phan Thoan (bút danh: Phan Tuất) sinh ngày 11 tháng 11 năm 1924, quê ở xã huyện Đức Thọtỉnh Hà Tĩnh. Ông nguyên là Cán bộ văn hóa nghệ thuật Ty Văn hóa Tỉnh Hà Tĩnh cũ, hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh. Ông đã từng đoạt các giải thưởng sau : Huy chương vàng Triển lãm ảnh quốc tế tại Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 9 ở Sofia (Bulgaria) năm 1968, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, kỉ niệm chương « Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuậ Việt Nam ». Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan vừa qua đời vào sáng 08/12/2020 tại nhà riêng ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Nguyễn Thị Sông Hương

Paris, 2018-2020

This entry was posted in SÁNG TÁC, ĐỌC, DỊCH VÀ GHI CHÉP. Bookmark the permalink.

Leave a comment