Có hẹn với Paris

Du hành, đó là hành trình đi khám phá người khác. Và người lạ đầu tiên cần khám phá, chính là bản thân bạn (Voyager, c’est partir à la découverte de l’autre. Et le premier inconnu à découvrir, c’est vous) – – Oliver Föllmi –

Khu phố La-tinh

Đặc điểm nổi bật của khu phố la-tinh là tôn giáo và tri thức, bên cạnh nguồn gốc cổ xưa của Lutèce thời đại Gô-loa – La Mã. Vào thế kỷ 17, các nhà văn bắt đầu gọi đùa trường Đại học là “quốc gia la-tinh”, bởi vì thời đó tiếng la-tinh được sử dụng rất nhiều trong giảng dạy. Vào cuối thế kỷ 18, thuật ngữ “khu phố la-tinh” xuất hiện, chỉ các phố quận 5, nơi tập trung nhiều trường Đại học ở Paris.

Khu phố la-tinh là một trong những khu nổi tiếng nhất của Paris, với các điểm quen thuộc như điện Pantheon, bảo tàng Cluny, vườn Luxembourg, bên cạnh đó là các trường Sorbonne, Collège de France, trường trung học Henri IV, phố Mouffetard, phố Monge, quảng trường Contrescarpe, Paradis Latin, nhà hát Odéon, các nhà thờ cổ xưa…

Lần đầu tiên nàng tới quận 5 là lúc với mới sang Pháp, tự mình đi RER từ ngoại ô phía Nam tới bến Cardinal Lemoine. Lên khỏi mặt đất, đứng trước hai phố hình chữ V, điểm cắt giữa phố các trường Đại học và hố Jussieu nàng loay hoay không biết đi tiếp vào lối nào. Một người đang đứng gọi điện trước quán cà phê thấy nàng ngơ ngác hỏi nàng có cần giúp đỡ không, mời nàng ngồi uống một cốc cà phê và hỏi nàng từ đâu tới. Đó là người Pháp đầu tiên mà nàng gặp ở Paris, làm việc ở trường Đại học bên cạnh, một người rất dễ mến, nhưng vì lí do riêng nàng không tiện giữ liên lạc. 15 năm sau về làm việc ờ trường này trong thời gian 3 năm nàng không gặp lại ông ấy mặc dù vẫn luôn nhớ cuộc gặp đầu tiên đó, nhất là mỗi lần đi ngang qua quán Le Passage.

Trong các bến tàu điện ngẩm ở quận 5, trạm dừng của đường 10 Cluny – La Sorbonne có điểm đặc biệt so với các bến tàu khác. Trên vòm ga có rất nhiều chữ ký của những nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, chính trị gia, vua Pháp … những người làm rạng danh quận 5 Paris và khu phố la-tinh, các trường Đại học, là những học trò cũ của Đại học Sorbonne cổ kính và danh tiếng. Có thể điểm tên Molière, Racine, Victor Hugo, Marie Curie, Pasteur, de Jussieu, Victor Coussin, Gay Lussac, Ambroise Paré, Saint Louis, Fraçois Đệ Nhất, Louis XIV, Hồng y Giáo chủ Richeulieu…. Tên tuổi của họ rất quen thuộc với các con đường, phố, trường học của quận 5, quận 6.

Nàng đã từng học 2 năm ở quận 5, trường Sorbonne Paris 4 và Sorbonne Pantheon Paris 1. Nàng cũng từng làm việc ở quận 5, Đại học Pierre và Marie Curie, nay là Sorbonne Université. Phòng làm việc của nàng ở trên tầng cao của toà Zamansky trông ra sông Seine và nhà thờ Đức Bà. Những lúc mỏi mắt cần rời máy tính, nàng lặng ngắm Paris dưới tầm mắt, nhìn xa ra đồi Montmartre, tháp Eiffel, nhìn sườn tây nam và đỉnh Nhà thờ, nhìn những con tàu chở khách du lịch chạy qua và nhìn người tản bộ đi lại trên cầu Saint-Louis nối từ đảo Cité sang đảo Saint-Louis. Nàng đã ngắm Paris và nhà thờ từ trên cao, hằng ngày như thế, những ngày đẹp lúc trời quang đãng, những ngày mưa gió âm u buồn bã, những buổi chiều sau cơn mưa cầu vồng bảy sắc vồng qua đỉnh tháp chuông, những đêm ở lại muộn ngắm ánh đèn đêm lấp lánh từ phía đảo Saint-Louis, và những ngày lũ lớn nước sông Seine dâng cao đến tận bờ, tàu thuyền không thể qua lại. Trong ba năm bộ phận của nàng dời phòng làm việc nhiều lần, nhưng như một điều kiện, phòng làm việc của nàng vẫn luôn được giữ nguyên không thay đổi. Sau khi nàng chuyển đi, phòng đó trở thành phòng họp của cả Ban. Bên cạnh khung cửa sổ kính rộng, nàng đặt các chậu hoa lan nhiều màu, có chậu tự mua, có chậu mang từ nhà đến, có chậu đồng nghiệp tặng. Chỗ nhiều ánh sáng, lan lên hoa rất nhanh. Ở đó nàng còn ươm một bình sen từ hạt sen tươi, ngày ngày nhìn sen mọc mầm rồi ra lá. Sau này khi quyển định chuyển công tác sang trường Đại học khác, xa rời phòng làm việc với khung cửa kính rộng nhìn ra sông Seine là điều khiến nàng tiếc nuối nhất. Nàng sẽ được ngắm Paris từ một góc nhìn khác nhưng nàng sẽ không còn được nhìn thấy sông Seine và nhà thờ Đức Bà hằng ngày như trước. Trưa hôm sau ngày xảy ra hoả hoạn, trở lại nơi làm việc cũ, một đồng nghiệp dẫn nàng tới một phòng ở tầng cao hơn nhìn ra Nhà thờ. Đó là vị trí nhìn ra hướng công trình kiến trúc Gothic bị hư hại nhiều nhất. Không còn những mái vòm màu ghi, không còn tháp cao hình mũi tên. Trơ trụi và mất mát. Từ đó nàng không trở lại cơ quan cũ, mỗi lần hẹn các đồng nghiệp cũ đều chọn một quán ăn trưa ở ngoài. Một trong những bài thơ hiếm hoi của nàng được viết sau ngày xảy ra hoả hoạn, đề tặng một người bạn đã không kịp tới Paris trước khi ngọn lửa phá hủy một phần quan trọng của một công trình kiến trúc có tính chất biểu tượng của nhân loại có lịch sử gần thế kỉ.

Trái tim phượng hoàng

(Tặng NCC và cháu PU)

Anh đến muộn rồi / Trái tim Paris bùng cháy / Đau đớn nghìn năm khối óc và bàn tay nhân loại / Tháp đổ tàn tro

Đi về đâu hỡi Quadimodo / Còn chỗ nào cho tình yêu lánh nạn / Trái tim vĩ đại ngân vang những nốt thăng rất nhiều năm tháng / Đêm nay chợt lặng thinh

Chín thế kỉ hào quang, sáng tạo, phục sinh / Nơi ngự trị ánh sáng, niềm tin, bao dung và đức ái / Xa rời Đức Mẹ, những đứa con bàng hoàng, lo âu, sợ hãi / Cuộc chia ly đau thương

Chín thế kỉ tượng đài lịch sử, kiến trúc, văn chương / Là khát vọng, là kí ức, là tình yêu, là nỗi nhớ / Em kể anh nghe chuyện tình cô gái bohemian trái ngang dang dở / Viên ngọc sáng lung linh trước thăng trầm thời gian

Thắp nắng vòm cửa hồng hoa, đánh thức người gác chuông / Nhen nhóm niềm tin trong tro tàn, đổ vỡ / Còn ước nguyện, còn yêu thương, còn đợi chờ, còn hơi thở / Trái tim phượng hoàng sẽ hồi sinh.

(Paris, lễ Phục sinh 21/04/2019)

Những năm đi học và làm việc ở quận 5 nàng đã đi mòn lối đi từ vườn Luxembourg cho tới sông Seine. Để có thể đi bộ, nàng không đổi tàu điện ngầm ở St Michel-Notre Dame / Cluny La Sorbonne mà xuống ở Luxembourg. Ra khỏi ga là cổng vào vườn Luxembourg và Thượng nghị viện Pháp. Khu vườn mang tên công tước Luxembourg. Khi hoàng hậu Marie de Médicis quyết định rời khỏi cung điện Louvre, bà nghĩ đến cơ ngơi này là nơi vua Louis XIII trẻ tuổi được giới thiệu để săn bắn (lợn rừng được thả cho nhà vua đi săn trong vườn). Marie de Medicis cho kiến tạo khu vườn kiểu florentine rộng lớn. Tòa nhà chính được kiến ​​trúc sư Salomon de Brosse xây dựng lại thành cung điện, lấy cảm hứng từ cung điện Pitti ở Florence. Về phần trang trí, nữ nhiếp chính đưa Pierre Paul Rubens đến Paris vào năm 1622 để ông tạo ra 24 bức tranh kể lại những giai đoạn chính của cuộc đời mình; nhưng chỉ có mười ba chiếc được thực hiện.

Khi chuyển trường sang quận 6, Luxembourg cũng là bến xuống, chỉ cần đi băng qua vườn là tới cơ quan nhưng nàng không thích đi ngược lên nên ít dừng ở bến này, chỉ thỉnh thoảng đi qua vào mùa thu. Đó là lúc nắng vàng và trời hơi se lạnh, cây trong vườn bắt đầu ngả màu. Các buổi sáng sếp của nàng thường đi dạo một vòng trong đó trước lúc vào cơ quan – nhiều lúc chỉ để tiễn ông bạn già sang cổng bên kia rồi quay lại – bảo cảnh đẹp nhưng thấy buồn vì mùa rụng lá sắp đến.

Chếch nghiêng một chút trước cổng chính vườn Luxembourg là đường dẫn tới điện Panthéon, nơi yên nghỉ của những con người vĩ đại mà nước Pháp ghi công, trong đó có không ít nhà văn: Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Victor Hugo, Louis Braille, Sadi Carnot, Émile Zola, Jean Jaurès, Jean Moulin, Jean Monnet, Pierre và Marie Curie, André Malraux, Alexandre Dumas, Germaine Tillion, Geneviève de Gaulle-Anthonioz, Jean Zay, Pierre Brossolette, Simone Veil, Maurice Genevoix. Điều đặc biệt là tác giả của tác phẩm mà nàng chọn làm đề tài cho luận văn cao học, Abert Camus, đã không vào Panthéon, sau khi con trai ông phản đối dự định của tổng thống đương thời Nicolas Sarkozy. Jean-Yves Guérin, người biên tập cuốn Từ điển Albert Camus giải thích thêm như sau : “Nếu có một nhân cách xứng đáng được yên nghỉ trong Pantheon, thì đó là ở cương vị nhà văn, nhà tư tưởng, công dân hơn là Camus. Nhưng không phải Pantheon như chúng ta biết, mà là một Pantheon lý tưởng, nơi sẽ không chỉ tham gia cùng Zola, Jaurès và Malraux, mà còn phải cả De Gaulle, Mendès France, Manouchian, Baudelaire, Proust, Beckett … Camus đã chọn được chôn cất ở Lourmarin, trong ngôi làng đã chào đón anh ấy, cách xa Paris, những cung điện và giới tinh hoa. Hãy để anh ấy ở đó.”

Trước điện Pantheon là Quảng trường đã đi vào bài hát của Patrick Bruel, bài hát rất quen thuộc của mọi công chúng Pháp. Đây là điểm hẹn của sinh viên các trường đại học Sorbonne và đại học Paris 6, Paris 7 (trước khi chuyển ra địa điểm mới gần thư viện Quốc gia), đại học sư phạm, học sinh các trường trung học danh tiếng Louis Le Grand, Henri IV, Saint Louis, những ngôi trường tập trung xung quanh quảng trường Pantheon. Bài hát miêu tả tâm trạng và cảm xúc của những người bạn hẹn gặp lại nhau sau 10 năm chia tay.

On s’était dit rendez-vous dans 10 ans / Même jour, même heure, mêmes pommes / On verra quand on aura 30 ans / Sur les marches de la place des grands hommes ((Chúng mình nói hẹn nhau sau 10 năm / Cùng ngày, cùng giờ, cùng người cũ / Hẹn gặp lại nhau khi chúng mình 30 tuổi / Trên những bậc thềm quảng trường các vĩ nhân)

Nhiều năm làm việc trong môi trường Đại học, nàng nhận thấy hệ đại học công lập của Pháp mãi vẫn loay hoay với mô hình của mình. Việc này nàng đã nhắc đến nhiều lần khi viết về các trường Đại học Paris. Lập rồi xoá rồi nhập rồi tách rồi liên kết, từ Đại học Paris (hay Sorbonne) danh tiếng từ thế kỉ thứ 12, bị xoá bỏ vào thời kỳ Cách mạng Pháp để thay thế bằng các trường Lớn, các trường đào tạo chuyên sâu, rồi lại được tái lập lại, và cho đến năm 1970 thì chia ra thành 13 trường Đại học vùng Paris, đếm từ Paris 1 đến Paris 13, trong đó có 4 trường mang tên Sorbonne được thừa hưởng các tòa nhà cổ kính của Sorbonne xa xưa nằm trong lòng quận 5, phố la-tinh. 20 năm sau các trường này lại liên kết với nhau và liên kết với các viện nghiên cứu để lập ra các Trung tâm nghiên cứu và giáo dục đai học (PRES), các Cộng đồng các Đại học và cơ sở giáo dục (COMUE). Sau một thời gian phân cấp do luật Faure, bản thân các trường Đại học cũ của Đại học Paris lại có xu hướng tập trung lại. Từ năm 2010 nhiều dự án sát nhập đã được mở ra giữa các trường và viện nghiên cứu nhưng sau nhiều năm vẫn không thể thực hiện hoặc thay đổi giữa chừng. Hiện tại, Paris 6 Pierre và Marie Curie cùng với Sorbonne Paris 4 nhập thành Sorbone Université. Paris 5 và và Paris 7 sau dự án Sorbonne Paris Cité không thành, kết hợp thêm Viện vật lý địa cầu Paris thành một trường Đại học Paris mới. Đại học Paris 9 đã gia nhập Đại học Khoa học và Nghệ thuật (PSL), Đại học Paris 11 Orsay tham gia vào Đại học Saclay. Có câu hỏi đặt ra tại sao 13 trường đại học Paris không hợp nhất để trở về Đại học Paris duy nhất ban đầu. Thực tế từ năm 1970, 13 trường Đại học Paris đã phát triển theo các con đường riêng, quy mô và số lượng quá lớn để có thể nhập lại về thành một. Trong khi đó, các trường đại học Pháp vẫn luôn có tham vọng tìm kiếm vị trí trên các xếp hạng quốc tế hoặc tìm lại danh tiếng của đại học Paris, đại học Sorbonne từ nguồn gốc. Đại học Sorbonne hay đại học Paris là một trong các trường Đại học lâu đời nhất của châu Âu và thế giới, cùng với Bologne, Oxfort, Cambridge, Salaanque… Điểm khác biệt giữa Đại học công lập Pháp so với Anh, Mỹ là Pháp đào tạo hoàn toàn miễn phí. Giáo dục và đào tạo miễn phí có thể làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo. Nhưng năm 2017, một trường đại học công lập miễn phí như Paris 6 có thể đứng thứ 3 thế giới về toán, đứng thứ 13 về vật lý, thứ 16 về khoa học sinh học về con người, thứ 17 về khoa học và kĩ thuật vật liệu, đứng thứ 18 về khoa học về Trái đất… trên bảng xếp hạng của Thượng Hải, dù tiêu chí xếp hạng thiên về nghiên cứu, thì vẫn có thể nói là rất đáng tự hào. Lợi thế của du học Pháp là rẻ, rất rẻ: đào tạo miễn phí, sinh viên được chính phủ hỗ trợ rất nhiều cho chi phí ăn ở và đi lại… Các trường đại học chính của Paris đều nằm ở trung tâm thủ đô, chủ yếu ở quận 5, gần sông Seine, gần vườn Luxembourg và Thượng nghị viện, xung quanh Panthéon. Ví dụ chẳng cần mơ mộng được ăn trưa ở một nhà hàng sông Seine, các buổi trưa ngồi ở căng tin của Sorbonne Université hiện giờ cũng có thể ngắm nhìn sang đảo Saint Louis, nhìn ra sông Seine. Ở hai mạn sông Seine khu vực quận 5, quận 4, nhiều nhóm đông sinh viên chiều chiều lại ra bờ sông ngồi phơi nắng và hóng gió, thỉnh thoảng lại reo hò vẫy chào khách du lịch trên một con thuyền chạy qua, thỉnh thoảng lại đàn hát vui nhộn. Du học ở một thủ đô văn minh kì vĩ như Paris vẫn luôn là mơ ước của nhiều sinh viên thế giới, chắc chắn trong tương lai các trường Đại học mới sẽ thu hút được nhiều sinh viên từ nhiều quốc gia. Còn về xếp hạng quốc tế, năm nay Paris-Saclay đã đạt được vị trí thứ 14 trên bảng xếp hạng Thượng Hải là một thành công lớn, vị trí chưa bao giờ có trước đó đối với các trường Đại học Pháp. Nàng đã làm việc ở 3 trường Paris Sud – Saclay, UPMC – Sorbonne Université và EHESS – PSL. Cứ vài ba năm lại muốn thay đổi công việc, nhưng đi sang môi trường xã hội rồi nàng lại thấy nhớ tính năng động, tích cực của các trường tự nhiên. Không nói về chất lượng đào tạo vì mỗi lĩnh vực có một mặt mạnh riêng, hơn nữa hệ Trường lớn khác với hệ Đại học công lập nói chung, nhưng nếu nói về quản lý, giữa trường tự nhiên và trường xã hội khác xa nhau nhiều lắm. Điều giữ chân nàng lại nơi này là môi trường nghiên cứu về khoa học xã hội, vốn là xuất phát điểm ban đầu mà nàng cần tìm lại sau nhiều năm thay đổi.

Có một nơi ở quận 5 nàng hơi lui tới lúc mới sang Pháp là hai hiệu sách Gibert Joseph và Gibert Jeune nằm trên đại lộ Saint Michel, từ năm 1888. Sách với nàng là món ăn tinh thần, như thể chỉ cần nhìn thấy sách thôi cũng đủ sống. Có những ngày nàng lang thang đi từ tầng này lên tầng khác ngắm nghía kho tri thức không bao giờ chiếm hữu đủ. Một trong những tin buồn nhất của năm 2020 là Gibert Jeune sẽ phải đóng cửa. Mặc dù là một đất nước của văn minh, tri thức, sách vở và rất nhiều người Pháp vẫn có thói quen đọc sách giấy và mua sách, áp lực của việc cạnh tranh trong thời đại công nghệ và thương mại điện tử quá lớn đối với các hiệu sách truyền thống. Ngay cả nàng, lâu rồi không còn có thói quen cầm một quyển sách đọc trên đường đi làm, và cũng lâu rồi khi cần mua một cuốn sách cũng vào Amazon cho nhanh. Việc đóng cửa Gibert Jeune là nỗi buồn và tiếc nuối của rất nhiều người. Có người Parisien nào chưa từng ghé qua Gibert Jeune và Gibert Joseph. Đó không chỉ là hình ảnh văn hóa của thủ đô đã đi cùng lịch sử của Paris hơn 130 năm, mà còn là kí ức của người Paris, của sinh viên Paris, và ngay cả người từ nơi khác đến, từng có dịp ghé qua quảng trường Saint Michel.

Nhìn những mùa thu đi trên Ile de la Cité, trong khuôn viên Thượng nghị viên Luxembourg, trong Jardin des Plantes, vườn bách thảo của Paris xưa kia từng là vườn cây thuốc hoàng gia. Chợt nhận ra rằng nàng rất hay viết về mùa thu. Một mùa khai trường rồi một mùa khai trường mới, đếm thời gian đi qua bằng những mùa khai trường.

29.11.2020

Khu phố Marais

Nàng vốn rất quen thuộc quận 5, từ ngày đầu bước chân tới Paris thì nơi đến đầu tiên đã là quận 5, rồi học ở đó, 3 năm làm việc ở đó, hiệu sách Sudestasie cũng ở đó. Tuy nhiên thông thường nàng chỉ theo một lối đi, ít khi qua đến bờ bên kia sông Seine, dù chỉ cách nhau một cây cầu, và cũng ít đi vào các khu phố Marais, trừ khi tới Thị chính Paris.

Từ hướng Panthéon, phố các trường đại học, Nhà thờ Đức Bà, sang phía đông của Ile de la Cité và Ile de Saint Louis là quận 4. Hơn một năm sau trận cháy làm cả thế giới bàng hoàng, nhà thờ Đức Bà đã bắt đầu ra khỏi giấc ngủ dài. Việc tháo gỡ dàn giáo đang được thực hiện từ cuối tháng 6, tiếp đến là dọn dẹp, vứt bỏ gạch vụn, tháo gỡ ống và lau chùi bụi chì. Gần một tỉ euros được quyên góp để trùng tu, Tổng thống hứa hẹn sẽ thực hiện trong vòng 5 năm, vẫn chưa biết đỉnh tháp sẽ được làm lại khác đi hay giữ nguyên kiến trúc cũ.

Hình ảnh nổi bật bên mạn tả sông Seine là Tòa thị chính Paris với kiến ​​trúc hoành tráng, có tiền sảnh lộng lẫy diễn ra các sự kiện suốt năm, trong đó có lễ Tết của người Việt từ nhiều năm nay có vinh dự được tổ chức tại đây. Xa hơn một chút là quãng trường Vosges lãng mạn, được xây dựng từ thời Phục hưng, dưới triều vua Henri 4, hoàn thành nhân dịp lễ cưới của vua Louis 13 với hoàng hậu Anne nước Áo, là quảng trường lâu đời nhất của Paris, còn có tên gọi khác là quảng trường Hoàng gia, biểu tượng trung tâm của khu Marais. Đó là một vuông cây xanh được bao quanh bởi những tòa nhà cổ xưa bằng gạch, dinh thự của giới quý tộc Paris trước khi chuyển tới Versailles, hoặc lùi về phía sông Seine. Nơi này cũng từng là nơi ở của nhiều nhân vật nổi tiếng trong đó có Victor Hugo, nữ hầu tước Sévigné, Alphonse Daudet, Colette… Ngôi nhà của Hugo nằm ở số 6 quãng trường, nay là một trong 14 bảo tàng của Paris.

Bây giờ nàng mới chợt nghĩ ra, bao nhiêu năm ở nơi này nàng còn chưa tới nơi ở của Balzac và Hugo. Nhắc đến hai nhà văn lớn, một hiện thực và một lãng mạn mà nàng học tất nhiều và đọc rất nhiều này, nàng thường liên tưởng nhiều hơn đến Nhà thờ Đức Bà, Paris ánh sáng và bóng tối, những cống ngầm và những khu vườn tuyệt đẹp trong các trang truyện. Hoặc mỗi lần đi ngang qua điện Panthéon, nơi nước Pháp ghi ơn những vĩ nhân của mình, trong đó có Victor Hugo, thì nàng lại nghĩ đến Père Lachaise, nơi nhà văn của Tấn trò đời mai táng phần lớn nhân vật của mình và cuối cùng cũng yên nghỉ ở đấy.

Nàng được sinh ra ở một vùng biển phía bờ Đông của Trái đất, lớn lên ở một vùng quê trồng lúa, từ lúc học lớp ba đã chỉ có một ước mơ duy nhất là trở thành cô giáo dạy văn. Một đứa trẻ mới lớp ba đã đọc sách của các nhà văn đoạt giải Nobel, các bộ sách đồ sộ của Nga, thuộc làu làu tên các anh hùng chiến trận của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, cuốn sách gối đầu giường là Hành trình ngày thơ ấu của Dương Thu Hương, thì cho dù ước mơ bên ngoài có vẻ giản đơn nhưng ngấm ngầm đâu đó còn một ước mơ khác sâu xa hơn, và con đường tương lai dường như được định hướng bởi ước muốn ẩn sâu này. Còn bọn trẻ, được sinh ra trong một cuộc sống đầy đủ, điểm đến của ước mơ là ở đâu ? Balzac, Hugo, Dumas, Voltaire, là những tác giả văn học trong nhà trường, nhưng chỉ là trích đọc, học để kiểm tra xong là đóng sách lại. Liệu chúng có say mê chuyện ba chàng ngự lâm và bá tước Monte Criso đến mức tin rằng đảo If là có thật, nhà tù trên đảo If là có thật, có mong ước đáp một chuyến tàu đi đến tận nơi để xem Edmond Dantès và Cha Faria đã đào hầm vượt ngục thế nào, có ý muốn lang thang vào quận 6 để đọc thơ Rimbaud khắc trên tường đá, và tò mò bước xuống cống ngầm Paris để hình dung cảnh Javert truy đuổi Jean Val Jean và “một Paris của các cống ngầm” thời công xã Paris cũng như thời hiện tại, có lắng nghe tiếng chuông của nhà thờ Đức Bà để hình dung về một thằng Gù và một câu chuyện tình yêu buồn của nàng Esmeranda ? Trước khi lang thang Paris vào những buổi tối mát rượi như hôm nay – thời điểm “trước” này không được tính bằng tháng, bằng năm mà bằng nhữmg thập niên – thì nàng đã lang thang khám phá các ngõ ngách Paris qua từng trang tiểu thuyết. Từ lúc học phồ thông nàng hầu như đã đọc tất tần tật các tiểu thuyết của Alexandre Dumas (cha và con) đã được dịch tiếng Việt. Nàng cho rằng cách đọc sử Pháp nhanh nhất là đọc Dumas. Từ câu chuyện về hoàng hậu Margot (Marguerite de France, Marguerite de Valois) nàng đã đi đến cả vùng xa xôi biên giới Pháp và Tây Ban Nha, tới vùng lãnh địa của các triều vua Navarre, trước khi vua Pháp đồng thời là vua Navarre, cưới Marguerite de Valois, từ bỏ đạo Tin lành chuyển sang Cơ đốc giáo, trở thành Hoàng đế Pháp Henri IV, chấm dứt cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu kéo dài 30 năm. Cuộc hôn nhân của Henri de Navarre và Marguerite de Valois, là kết quả của một nỗ lực hòa giải có thể mang hòa bình đến cho nước Pháp nhưng sau hoà ước Saint Germain vụ thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy, ngày 24 tháng 8 vẫn xảy ra, ngay sau lễ cưới, khiến hàng nghìn người Tin lành thiệt mạng. Câu chuyện trong Hoàng hậu Margot xoay quanh vụ thảm sát này, lấy nền chính trị, lịch sử, tôn giáo làm bối cảnh cho một câu chuyện tình éo le giữa hoàng hậu Margot với bá tước de Mole. Trong khung cảnh căng thẳng, bạo động, chết chóc của đường phố Paris, trong những lời thì thầm mờ ám dọc hành lang cung điện Louvre, trong bóng tối của những toan tính vương quyền vẫn le lói ánh sáng của một tình yêu lãng mạn và phiêu lưu, và bên cạnh đó là chân dung một hoàng hậu quyến rũ, phóng khoáng nhưng quyết đoán và vị tha, không cần tình yêu cũng có thể trở thành người hỗ trợ cho chồng, góp phần đưa Henri 3 de Navarre trở thành Henri 4, hoàng đế Pháp Henri le Grand.

Paris sau thời gian cách ly vắng vẻ hơn trước. Buổi tồi đi dạo không cần đeo khẩu trang. Như những mùa hè khác, dọc bờ dưới của sông Seine thì vẫn tấp nập giới trẻ ngồi hóng gió, pic-nic và hát hò.

Nếu đi sâu vào các phố Marais quận 3 sẽ gặp các quán ăn, hiệu bánh, hàng lưu niệm, khách sạn, phố đi bộ lát đá, phố hoa hồng, các phòng tranh, khu Do thái… từ Chatelet cho tới Chemin vert hay République, những gì làm nên đặc trưng của Marais thời hiện đại.

Nàng quay ngược trở lại bến tàu Nottre Dame đề đi về, rủ lũ trẻ ăn kem Berthillon mà đứa nào cũng lắc đầu. Đối với bọn trẻ, kem nào cũng ngon, không cần phải phân biệt kem Berthillon hay một hiệu nào khác.

Hiệu Berthillon, nằm ở số 31 phố Saint-Louis-en-l’Île, trên đảo Saint Louis giữa hai dòng sông Seine, có truyền thống hơn 60 năm, do Raymond Berthillon khởi nghiệp từ những năm 1950, một hiệu kem thủ công gia đình, với 90 hương vị kem khác nhau, đã được xếp hạng là một trong 10 hiệu kem ngon nhất thế giới. Nàng là người thích làm bếp, đặc biệt say mê đồ ngọt, nhưng riêng kem không bao giờ muốn thử, bởi nàng thấy không cần phải cố gắng để so bì với những người nghệ nhân đã góp phần làm nên sự hấp dẫn của nước Pháp, cũng không cần phải chứng minh thêm rằng sản phẩm ngọt làm từ bơ sữa phô mai của Pháp là số một, bởi bên cạnh bàn tay và sáng tạo của con người, thì một trong những bí quyết không thể so bì, như có lần nàng đã nói, là những con bò hạnh phúc thong dong trên những đồng cỏ xanh non mát rượi của vùng Normandie .

Ở đâu có hạnh phúc ở đó có những điều đặc biệt. Cuộc sống bộn bề cần những khoảnh khắc thong dong. Một kết luận nhỏ cuối ngày của nàng là như vậy, khi nắng chiều muộn tháng 6 đã tắt, và bên kia sông các phố Marais bắt đầu nhịp sống đêm, dù có lặng lẽ hơn so với những mùa hè khác.

07.07.2020

Khu phố Odéon – Saint Germain des Prés

Ra khỏi công sở lúc 17h30, gió mát rượi khiến nàng nảy ra ý định lang thang đi bộ. Đồ ăn đã nấu để sẵn trong tủ lạnh nên không cần về sớm.

Nàng ghé một cửa hiệu gần Montparnasse mua vài thứ rồi quay lại hướng Luxembourg, nhưng không đi băng qua vườn như thường lệ mà đi dọc phố Vaugirard, theo đường bus 89. Chợt nhìn thấy một con ngõ nhỏ lát đá dành cho người đi bộ ngay đối diện với bảo tàng Luxembourg, nàng tò mò rẽ sang đó. Con đường dẫn nàng tới “Con tàu say” của Arthur Rimbaud. Nàng ngỡ ngàng phát hiện ra, nguyên 100 câu thơ alexandrin được khắc tay trên đá, trên 300 m2 tường bên hông của Trung tâm Tài chính công. Bài thơ khắc khiến cho toà nhà sở thuế bớt khô khan. Từ 2012 Paris có thêm một công trình văn hoá do Đại sứ quán Hà Lan tại Paris tặng, được thực hiện bởi danh hoạ Hà Lan Jan Willem Bruins. Ông đã viết tay trên đá 100 câu thơ của Arthur Rimbaud trong vòng hai tháng rưỡi. Rimbaud đã viết bài thơ đồ sộ này năm 1871. Quán ăn đầu đường, nay không còn, là nơi chàng trai trẻ đọc bài thơ lần đầu tiên trước nhóm nghệ sĩ Paris Vilains Bonshommes ngày 30 tháng 9 – năm đó Rimbaud 17 tuổi. Bài thơ mang những nghịch lý, biểu tượng. là sự trộn lẫn của sự nổi loạn, trôi dạt và thử nghiệm thơ ca.

Bước lãng du đôi khi phải mệt lả

Trôi tròng trành trong tiếng khóc biển cả

Dâng lên tôi những bông hoa âm u

Tôi ở lại, như một người nữ đang quỳ

Rimbaud đã sống một cuộc đời hết sức ngắn ngủi (1854-1891), một người khác người (Je EST un autre), nổi loạn và loay hoay trong cuộc đi tìm bản ngã và sự khác biệt.

Điều làm cho con phố nhỏ này ở khu Odéon trở nên đặc biệt là lịch sử của nó : từng sống ở đây Athos, một nhân vật của “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của Alexandre Dumas, và nhiều nhà thơ và nhà văn đã định cư trong nhiều thập kỷ. Trong số những ngòi bút nổi bật nhất là nhà thơ Jacques Prévert và nhà văn Mỹ Ernest Hemingway. Jacques Prévert ở với cha mẹ vài năm vào cuối những năm 1900 trong một căn hộ nhỏ trên tầng cao nhất ở số 4, trong khi Ernest Hemingway sống ở số 6 vào cuối những năm 1920. Tại nơi đây ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết “Giã từ vũ khí” xuất bản năm 1929. Những tên tuổi lớn khác như Ernest Renan hay Guillaume Apollinaire cũng từng trú ngụ trong con ngõ nhỏ Férou này.

Trước mặt nàng là một đài phun nước lớn và nhà thờ Saint Sulpice, nhà thờ lớn thứ hai ở Paris (dài 120m, cao 20m, rộng 57m), chỉ sau Nhà thờ Đức Bà, và là một di tích lịch sử được xếp hạng từ năm 1915.

Nàng đang ngắm Paris theo cách của một người du lịch nhưng khác với họ ở chỗ, nàng khám phá nơi thuộc về mình, mỗi một lần lang thang ra phố nàng chỉ tìm hiểu được một góc rất nhỏ của thành phố này, không biết phải mất bao nhiêu năm mới khám phá hết. Paris luôn bí ẩn, kì diệu và mới mẻ đối với nàng.

Bên kia đường, trên phố Bonaparte, nơi có hiệu bánh đầu tiên của Pierre Hermé – được mệnh danh là Picasso của nghệ thuật bánh ngọt. Nàng tự hào là trước cả khi nếm Ispahan của Pierre Hermé, nàng tự mày mò làm được Ispahan theo công thức trong PH5, tuy nhiên khi đã thưởng thức Ispahan của Pierre Hermé rồi thì nàng thôi luôn ý định làm lại. Ispahan là một sáng tạo tuyệt tác về macaron của nhà danh hoạ bánh ngọt, người chọn Nhật làm nơi khởi nghiệp và rất thành công ở Nhật trước khi nổi tiếng ở Pháp. Bao lâu rồi nàng không làm bánh macaron nàng không nhớ nữa. Cô con gái thỉnh thoảng lại bảo, con chỉ thích mẹ làm hỏng vỏ macaron trà xanh matcha để con được ăn vỏ bánh, ngon quá, con không thích ăn nhân.

Nàng lại tiếp tục lang thang qua những quán rượu của các khu phố Saint Germain des Prés nhộn nhịp. Hơn 8h tối, cuộc sống về đêm của Paris mới chỉ bắt đầu. Saint Germain des Prés từng là trung tâm của thế giới văn chương. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đây là khu tập trung trí thức cao với những tên tuổi lừng danh về văn học, triết học, âm nhạc, điện ảnh như Marguerite Duras, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Jacques Prévert, François Truffaut, Alberto Giacoentti.,. và trụ sở của những nhà xuất bản nổi tiếng nhất cũng nằm ở đây Gallimard, Le Seuil, Grasset. Từ những năm 1970 khu phố St Germain des Prés đã rất nổi tiếng và chính khách quốc tế đã làm biến đổi khu phố, các cửa hàng hiệu sang trọng thay thế dần các hàng sách và cửa hiệu nhỏ. Tuy nhiên những quán cà phê như Café des deux Magots, nơi qua lại của Rimbaud, Verlaine từ thế kỷ XIX và sau đó là Sartre, de Beauvoir ngày nay vẫn đặc biệt thu hút các chính trị gia, nghệ sĩ và trí thức Pháp.

Thay vì xuống bến tàu điện ngầm Saint Sulpice để đi về nhà, nàng tiếp tục đi bộ trở lại Luxembourg. Đi qua cổng Thượng Nghị viện nàng chợt nhớ ra là quên mất lời hẹn với bác Raymond, bác ấy rủ đi ăn ở nhà hàng các Nghị sĩ vẫn hay ăn, và rủ lên Opéra ăn quán Nhật, hứa hẹn với bác mà chưa đi được, giờ chắc bác đi nghỉ rồi, lời hẹn lại để dành sang năm sau. Từ bao giờ nàng chợt nhận ra là nàng rất hợp nói chuyện với các bác lớn tuổi, và nàng, chẳng mấy nữa cũng trở thành một người lớn tuổi.

Paris đã bắt đầu chớm thu, cây trong vườn Luxembourg bắt đầu ngả lá vàng, bốn mùa qua đi nhanh quá.

Paris, 30.07.2020

SH

This entry was posted in SÁNG TÁC, ĐỌC, DỊCH VÀ GHI CHÉP. Bookmark the permalink.

Leave a comment