Tác giả “Loan, từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng” và hành trình đi tìm nguồn cội ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) – Một người phụ nữ sinh ra ở Hà Tĩnh và sống ở Pháp; một người phụ nữ Pháp có gốc gác Hà Tĩnh, sống ở Đức, quen biết nhau qua sự kết nối của một cuốn sách.

Tôi là độc giả, còn chị ấy là tác giả. Chúng tôi cùng đi vào cuộc hành trình tìm kiếm gốc gác và quê hương của Loan (tên thật là Đậu Thị Cúc), một người phụ nữ khác sinh ra ở Hà Tĩnh đầu thế kỷ XX.

Bìa cuốn sách với hình ảnh bà Loan (Đậu Thị Cúc) trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam

Câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của bà đã được khắc hoạ trong cuốn sách của cô con gái út: Loan, từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng. Tôi đã có dịp giới thiệu cuốn sách của chị Isabelle Müller trên Báo Hà Tĩnh.

Việc đi tìm gốc gác của Loan bắt đầu từ việc hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện bộ phim tài liệu tái hiện lại cuộc đời của Loan, một người phụ nữ Việt Nam với một số phận điển hình trong giai đoạn đất nước trải qua nhiều biến động lịch sử từ đầu thế kỉ XX cho đến hết chiến tranh chống Pháp; đồng thời cũng điển hình cho số phận một Việt kiều Pháp gốc Việt vào thời kỳ cuối của chế độ thuộc địa, đã trải qua những khó khăn vất vả trong việc tạo dựng cuộc sống ở nơi đất khách quê người.

Nhưng bản lĩnh, sự kiên cường trong cuộc sống và sự kiêu hãnh của họ, nhất là ở một người phụ nữ bình dân như Loan, có thể coi là biểu tượng cho sự thất bại của Pháp ở Việt Nam cũng như sự thất bại của chế độ thuộc địa ở thời kỳ đó và là một điển hình cho sự vươn lên và khẳng định của người phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài.

Tác giả “Loan, từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng” và hành trình đi tìm nguồn cội ở Hà TĩnhChị Isabelle Muller – tác giả cuốn sách

Tôi tham gia vào việc chuẩn bị cho cuộc hành trình tìm về nguồn cội của chị Isabelle, một mặt do bị cuốn hút bởi câu chuyện của Loan, mặt khác vì quê mẹ của chị cũng là quê mẹ của tôi.

Một vài chi tiết về không gian miêu tả trong sách cho phép khoanh vùng nơi ở của gia đình Loan, như tôi đã đề cập trong bài viết trước: nơi Loan trải qua tuổi thơ của mình, là một làng quê miền Trung làm nghề nông và săn bắn, có con sông chảy qua, cách không xa rừng rậm nơi cha của Loan vẫn vào đi săn và không xa biên giới Lào;

Nơi đó cũng gần đường cái quan (quốc lộ 1A) nơi người qua lại vào Nam ra Bắc có thể dừng chân ghé qua và rất gần thị xã Hà Tĩnh, khoảng cách đủ để một cô bé 6 tuổi hằng ngày có thể đi bộ bê rổ kẹo kéo tới đứng bán rong trước cửa một rạp chiếu bóng (thời thuộc Pháp), gần chợ và gần bốt gác của Pháp ngày xưa.

Làng đó, sau khi đoàn làm phim đến Hà Tĩnh, tìm hiểu qua một người con dâu 90 tuổi trong gia đình và qua người con của “bà cô xấu tính” mà Isabelle nhắc đến trong sách, thì chính là xã Trung Tiết, nay nằm trong khu đô thị Vinhomes, Hà Tĩnh.

Bà Đậu Thị Cúc (Loan) thời trẻ (ảnh: Isabellemueller.de)

Để thực hiện bộ phim này, đoàn làm phim của đạo diễn Nguyễn Hoàng đã chuẩn bị các thông tin và tư liệu để tái dựng lại cuộc đời của Loan, trong đó có quãng đời tuổi thơ của Loan ở Hà Tĩnh.

Về gia đình Loan, đoàn làm phim có thông tin cần thiết nhờ vào một lá thư của người họ hàng của bà Cúc gửi sang Pháp mấy chục năm trước, trên lá thư có ghi một địa chỉ ở huyện Thạch Hà. Điều may mắn là con cháu trong gia đình này hiện tại vẫn sinh sống ở đó. Tên làng sau những lần tách nhập đã thay đổi, nay là xóm Tây Đài, xã Thạch Đài (Thạch Hà).

Thông qua Hoa, một người bạn cùng quê, cùng lớp xưa, tôi nói chuyện điện thoại trực tiếp với anh Đậu Quang Duẩn, cháu nội người cậu cả của chị Isabelle.

Anh nói là vẫn thường nghe kể đến gia đình bà cô Đâụ Thị Cúcở Pháp và rất mong được gặp. Tôi gửi cho anh cuốn sách của chị Isabelle. Qua những trao đổi với anh, chúng tôi có manh mối để tìm ra nhiều người thân khác của bà Cúc.

Chúng tôi có không ít băn khoăn về một số thông tin, nhưng mọi việc đều được sáng tỏ khi chị Isabelle Müller trở về quê mẹ.

Đoàn làm phim của đạo diễn Nguyễn Hoàng cùng chị Isabelle có mặt ở Hà Tĩnh vào một ngày giữa tháng 2 năm 2019 để bắt đầu dựng lại cuộc đời bà Đậu Thị Cúc.

Đó là lần đầu tiên chị Isabelle đến mảnh đất đã gắn bó với tuổi thơ của mẹ. Một trong những cảnh quay chính ở Hà Tĩnh được quay ở Thạch Đài quê tôi.

Chị Isabelle nói với tôi: “Nếu gia tộc của em và gia tộc chị xưa kia mà quen biết nhau thì phải làm thêm một bộ phim nữa về mối nhân duyên này”.

Chị Isabelle chỉ biết Hà Tĩnh qua lời kể của mẹ từ mấy chục năm trước, lúc chị còn bé. Lần đầu tiên chị được trở về quê ngoại của mình, gặp họ hàng bên ngoại, những người gọi chị bằng bà, dì, bằng o (cô), cảm nhận được tình cảm thân thương của họ hàng.

Như một sự dẫn dắt của định mệnh và của người mẹ quá cố, chị đã gặp lại con cháu trong gia đình cháu nội của người cậu cả (ông Đậu Văn Quế), con trai của người cậu út (ông Đậu Xuân Lệ) và gia đình “bà cô xấu tính” và nhiều người khác.

Lần đầu tiên chị đã có thể thay mặt mẹ mình tha thứ cho những người đã đối xử bất công và độc ác với mẹ. Nén nhang chị thắp trước ngôi mộ của bà ngoại và người cậu cả đã xoá đi mọi kí ức đau buồn của hai phần ba thế kỉ trước, đem cả gia đình về lại bên nhau.

Nếu như cuốn sách của chị Loan, từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng thể hiện mong muốn đưa mẹ về gần hơn với quê hương Việt Nam, thì lần trở về này của chị như đã đưa mẹ thực sự về nơi chôn rau cắt rốn, về lại gia đình.

Hôm đó, tôi dậy từ lúc 4h sáng (giờ Paris) để theo dõi chuyến đi của họ, xen kẽ các cuộc liên lạc với bạn Hoa, với chị Isabelle và mỗi lúc lại phát hiện thêm một tình tiết mới thú vị. Qua tin nhắn tôi cũng cảm nhận được những xúc động của chị.

11h đêm ở Việt Nam sau một ngày nhiều cảm xúc, chị gửi cho tôi một ghi âm rất dài tường thuật lại những việc chị đã có thể làm ở Hà Tĩnh, mà đối với chị, gần như là trọn vẹn, có những việc hơn cả mong đợi.

Tôi nói với chị rằng chính mẹ Loan, và quê hương đã dẫn dắt chị. Chị đã có một buổi tối vui vẻ bên người thân lần đầu gặp mặt. Chị đã có dịp ở lại Hà Tĩnh một đêm, một giấc ngủ thảnh thơi giữa lòng quê mẹ.

Isabelle Müller ở quê hương Hà Tĩnh tháng 2/2019 (ảnh của đạo diễn Nguyễn Hoàng)

Buổi sáng của ngày tiếp theo, đoàn làm phim thực hiện thêm một số cảnh quay ở rạp hát, nơi cô bé Cúc lúc 6 tuổi vẫn thường ngày ngày mang rổ kẹo kéo ra đứng bán, rồi lên đường theo hành trình cuộc đời của Loan.

Phim thực hiện các cảnh quay ở Hà Tĩnh, Vinh, Nam Định, Hải Phòng (Việt Nam), Tours (CH. Pháp).

Đây là một bộ phim rất công phu được thực hiện bởi một ê kíp tên tuổi như đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hoàng, nhà văn Trầm Hương.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng đã dành hơn 40 năm để thực hiện hàng trăm bộ phim tài liệu, bằng tất cả sự say mê của mình, rất nhiều phim của anh đã đoạt các giải thưởng lớn, như: Giữa ngàn thác lũ (Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam, 1994); Cánh chim không mỏi (Bông sen vàng, Liên hoan phim Việt Nam, 1998); Mê Kông ký sự (Cánh diều vàng, 2007, Giải nhất Liên hoan phim ASEAN); Những cánh hoa ngược dòng (Huy chương vàng LHP truyền hình); Từ trái tim đến trái tim (Giải A Báo chí quốc gia, 2014)…

Loan, Phượng Hoàng tái sinh là bộ phim được chờ đón trong năm 2019. Đây là bộ phim đặc biệt kỉ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, ra mắt ở TP Hồ Chí Minh từ 21 đến 23/10/2019 trên kênh TFS/HTV9.

Đặc biệt, phim được chiếu ở Hà Tĩnh ngày 25/10/2019 cùng sự kiện ra mắt với sự có mặt của đoàn làm phim và chị Isabelle Müller tại Hà Tĩnh.

Ngoài việc theo dấu hành trình cuộc đời của bà Đậu Thị Cúc, phim có thêm phần quay ở Hà Giang, nơi con gái bà, chị Isabelle Müller và Quỹ LOAN Stiftung do chị sáng lập đang thực hiện các dự án giúp đỡ trẻ em vùng cao.

Posted in NGHIÊN CỨU VĂN HỌC | Leave a comment

Ngã ba Đồng Lộc

Bài đăng trên tạp chí Thông tin Đại biểu Nhân dân – Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hà Tĩnh số 87 năm 2018 và trong Tuyển tập sách Đồng Lộc, ngã ba bất tử của Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Nxb. Nghệ An.


Khi chúng tôi sinh ra đất nước không còn chiến tranh
Bầu trời xứ Nghệ trong xanh và đồi cây trải màu sim tím
Có những cung đường, có những ngã ba không còn ai nhớ
Có những cung đường, có những ngã ba đã hoá lời ca

Chúng tôi lớn lên trong câu chuyện về những chàng trai, cô gái sông La
Bao ngày đêm bắn máy bay, gỡ mìn, tháo bom, sửa cầu, thông đường cho xe ra tiền tuyến
Đồng Lộc ba quả bom trên mỗi mét vuông đất
bom chồng lên bom
hố đào thêm hố
Người ngã xuống người lại đứng lên
Giặc bắn phá điên cuồng ngày đêm
Ta vá thì giặc phá
giặc phá ta lại sửa ta đi
Các anh chị và mười sáu nghìn thanh niên xung phong tuổi xuân thì
sống bám cầu bám đường
chết kiên cường dũng cảm
hoá thân cho những con đường đi tới tương lai
Giữa chảo lửa túi bom cày nát đất đai
tiếng nói cười như chưa bao giờ dứt

Sinh ra từ đất các anh chị lại trở về với đất
Giọt máu tuổi thanh xuân thầm nuôi đất nước lớn lên
Hồn các anh chị quyện cùng sông linh núi thiêng
Mối tình tuổi trẻ gửi vào tình yêu non nước
*
* *
Về Can Lộc hôm nay, về lại chân Mũi Mác, Trọ Voi
Có người khách phương xa lặng im bên hố đất
Có người em nhỏ trầm ngâm hoe mắt
Kí ức tháng năm còn nhức nhối mãi chưa vơi

Những dòng tên chạy dài trước mắt như thước phim trôi
Bao người đã nằm lại cho đồng lúa Hồng Lam hôm nay mướt mạ
Bao người đã ngã xuống cho vầng trăng Đồng Lộc trôi nghiêng êm ả
Mỗi gốc cây xanh đều từng nhuộm máu tuổi xuân xanh

Những người chị không về, đau xót khi đồng đội điểm danh
Ngày các chị ra đi bữa cơm chiều chưa ăn, tóc bết bùn chưa gội
Ước mơ giản đơn và những lời chưa kịp nói
Hy sinh có hề gì, chỉ thương mẹ già hiu quạnh sớm hôm

Xuân này nối xuân qua con không về để mẹ chải tóc cho con
Nửa thế kỉ trôi qua, người mẹ già ngồi canh bậu cửa chờ con hiu hắt
Nửa thế kỉ trôi qua, đồng đội còn đêm đêm giật mình tỉnh giấc
Gọi tên nhau “Cúc ơi” “Hà ơi”

Chiều Đồng Lộc lao xao thông reo, vọng tiếng chuông ngân, nghe câu tri ân
Chạm đến bầu trời, chạm đến hố sâu, chạm vào lòng đất
Mẹ ơi nằm nghỉ đi, đồng đội ơi ngủ ngon giấc, em nhỏ ơi thôi đừng khóc
Có cuộc chiến tranh nào là không mất mát đau thương

Một tượng đài ngã ba chiến công linh thiêng
Vang vọng giọng nói tiếng cười của những tâm hồn không bao giờ già cỗi
Tiếng chuông chùa ngân vang cứu rỗi
Đất mẹ yêu thương ôm những đứa con bất tử vào lòng ru giấc ngủ bình yên

Chúng tôi xa quê hương đi khắp mọi nẻo đường
Mang theo kí ức về các anh chị, những người anh hùng huyền thoại
Mang theo câu chuyện về một Đồng Lộc âm vang còn mãi
Nơi ngã ba của trái tim và con đường của những ánh sao đêm.

Posted in SÁNG TÁC, ĐỌC, DỊCH VÀ GHI CHÉP | Leave a comment

Cuộc gặp gỡ giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

(Nguyễn Thị Sông Hương) – Bài tham gia Hội thảo “Một số vấn đề về tiếp nhận và phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” (Hà Tĩnh, 31/03/2022) và “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng” (Bộ Y tế, 02/08/2022).

Một trong các sứ mệnh của các bác sĩ thuộc địa là truyền bá văn hóa Pháp đến các thuộc địa và mang lại những dữ liệu cần thiết cho sự tiến bộ y tế. Thế kỉ XIX là thời kỳ của những cuộc hành trình thám hiểm liên tiếp, thường được gọi là thời kỳ của các nhà tự nhiên học. Các bác sĩ, nhà nhân chủng học, nhà dân tộc học, nhà thực vật học sẽ phục vụ cho quá trình thuộc địa hóa, tham gia vào các cuộc khám phá lãnh thổ, xác định các vùng ranh giới và xã hội của các vùng Đông Dương. Các bác sĩ, trong đó nhiều người thuộc Hải quân Pháp, đã có cống hiến cho cuộc chinh phục và đáp ứng các yêu cầu trợ giúp cũng như kiến ​​thức của họ về bệnh lý và sức khỏe. Đồng thời kiến thức y khoa của họ mang lại lợi ích cho dân chúng bản địa. Alexandre Yersin bị thu hút bởi các xứ sở hoang vu và các dân tộc thiểu số dọc theo dãy Trường Sơn, trở thành nhà thám hiểm, nhà vi khuẩn học, người khám phá con đường bộ từ Trung Kỳ sang Lào, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y khoa Hà Nội[1]. Paul-Louis Simond, nhà vệ sinh dịch tễ học, một bác sĩ hàng hải, đã vẽ bản đồ bệnh lý Đông Dương, tham gia chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh đậu mùa, nghiên cứu các ổ dịch ở khu vực nơi người Khme, người Thái, người Lào, An Nam, Trung Quốc và các dân tộc thiểu số miền núi sinh sống. Armand Corre, cựu giảng viên trường Y khoa Brest đã tới Đông Dương và thực hiện nghiên cứu « Y học các nước khí hậu nóng ». Cũng như Armand Corre, Albert Calmette, tiến sĩ Viện Pasteur Sài Gòn là những nhân vật hàng đầu của y học thuộc địa trẻ tuổi, tìm ra các hướng đi mới trong y học qua việc thực hiện các nghiên cứu ở Đông Dương về sinh lý học của nọc độc, chủng ngừa và liệu pháp huyết thanh kháng nọc độc, và đã thành công trong việc điều chế huyết thanh kháng nọc độc đa trị đầu tiên, tham gia điều chế huyết thanh chống bệnh dịch hạch cùng Borrel và Yersin.

Nhà nghiên cứu Annick Guéne, khi nói về vị trí của y học cổ truyền Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Hoa và phương Tây đã nhận xét « quyền tối cao về khoa học của phương Tây, đặc biệt là sự ra đời của cuộc cách mạng y tế được báo trước bởi học thuyết Pasteur[2], khiến cho các bác sĩ Pháp và các thầy thuốc truyền thống hầu như không bao giờ gặp nhau cho đến cuối thời kỳ thuộc địa, nếu có thì trong một môi trường không tin tưởng lẫn nhau »[3]. Cho đến nửa sau thế kỷ XIX, nền y học dân tộc Việt Nam đã rất phát triển, đặc biệt với vị danh y nổi bật là Hải Thượng Lãn Ông và bộ bách khoa toàn thư y học. Nhưng một bác sĩ như Anatole Mangin khi viết cuốn Y học ở An Nam xuất bản năm 1887, có vẻ như chưa hề biết đến các danh y của Việt Nam. Thời điểm đó các sách thuốc và phương pháp chữa bệnh của Việt Nam còn chưa được dịch ra một ngôn ngữ Âu châu và ngược lại. Theo Pierre Huard và Maurice Durant, « Nguyễn Địch (Vân Khê y thư yếu lục, 1885) dường như là thầy thuốc Việt Nam đầu tiên mà trong tác phẩm của ông, người ta nhận thấy có ảnh hưởng của phương Tây, nhất là về phương diện giải phẫu học”[4]. Còn về Tây y, thuốc men nguồn gốc châu Âu đã theo các nhà truyền giáo vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII. Tuy nhiên mặc cho sự phát triển của y học phương Tây, đa phần dân chúng bản địa vẫn sử dụng y học truyền thống và mặc cho sự có mặt của rất nhiều bác sĩ Pháp ở Đông Dương, cũng như việc thiết lập hệ thống y tế của chính quyền thuộc địa, các thầy thuốc y học cổ truyền vẫn tiếp tục công việc của mình. Sự va chạm giữa hai dòng y học, có thể so với sự va chạm văn hóa mà người Pháp đã gặp phải khi bước chân vào Việt Nam, một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa từ hàng nghìn năm, thêm vào đó là sự tôn trọng đặc biệt quá khứ khiến cho mọi thay đổi đều hết sức khó khăn.

Bên cạnh phần lớn những người đã đến Đông Dương đặt nền móng cho nền y học nhiệt đới (médecine tropicale) trong tương lai, rất hiếm bác sĩ người Pháp có những quan sát và mối quan tâm về y học truyền thống bản địa. Cho nên trường hợp bác sĩ Albert Sallet rất đặc biệt, có thể nói là người Pháp đầu tiên đề cập đến đóng góp của hai danh y nổi tiếng Việt Nam, là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Albert Sallet sinh năm 1877 ở La Souterraine (Creuse, CH. Pháp), tốt nghiệp trường Dịch vụ Sức khỏe Hải quân và Thuộc địa ở Bordeaux năm 1902. Một năm sau khi tốt nghiệp, ông được gửi sang phục vụ ở Đông Dương. Cuộc gặp gỡ giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác trước hết là cuộc gặp giữa một bác sĩ thuộc địa, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong công cuộc chinh phục, và một danh y bản địa. Tuy nhiên sau khi trải qua các công việc của một bác sĩ quân đội trong chính quyền thuộc địa như tiêm phòng đậu mùa ở Hà Nội, kiểm soát bệnh dịch hạch ở các bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ trưởng bệnh viện Phan Thiết, Albert Sallet xin nghỉ hẳn chức vụ nhân viên y tế để theo đuổi vai trò của một nhà khoa học, để tìm đến sự say mê và hấp dẫn của y học dân tộc Việt Nam, để nghiên cứu những gì mà các bậc tiền bối như Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông để lại. Ông từng khám phá dân tộc Chàm, say mê tìm hiểu y dược truyền thống và « ma thuật phòng bệnh » của người Chàm. Đồng thời Albert Sallet không ngừng học hỏi và tìm hiểu, nghiên cứu về hệ thực vật Việt Nam. Chuyên môn, kiến ​​thức sâu rộng, khá chính xác trong lĩnh vực này đã cho phép ông không chỉ viết một số tác phẩm về cây cỏ mà còn hiểu được các dược liệu, thuốc bắc và thuốc nam, biết rõ điểm mạnh của y học cổ truyền Việt Nam so với y học truyền thống Trung Hoa, đó là phương pháp trị liệu và Nam dược. Nhờ hiểu biết về ngôn ngữ Việt Nam và y học cổ truyền cũng như phong tục địa phương, năm 1919, Albert Sallet trở thành thành viên hợp tác của Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO). Từ năm 1919 đến 1930, ông thực hiện việc điều tra ở An Nam, thu thập thông tin về các lĩnh vực rất đa dạng như sự giàu có của di tích, lịch sử, phong tục, tín ngưỡng, truyền khẩu, thực hành y học và cây thuốc, nhằm khai thác cho các mục đích khoa học. Được coi là « nhà thực vật học xuất sắc, có kiến ​​thức sâu rộng về sự vật và con người bản địa và thông thảo bản ngữ », ông được chính phủ Đông Dương mời cộng tác nghiên cứu dược điển Nam y, thực hiện bản tóm tắt dược liệu, các vị thuốc và tài liệu y tế ở miền Trung. Kết quả khảo sát này là việc xuất bản năm 1931 trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Thuộc địa Paris cuốn sách L’Officine sino-annamite en Annam (Nhà thuốc cổ truyền ở An Nam), Quyển I: Thầy thuốc người An Nam và việc chuẩn bị các phương thuốc, cung cấp một loạt các chi tiết về cây thuốc, làm sáng tỏ của các phương pháp chữa bệnh xưa[5]. Cuốn sách giúp cho việc xác định một số lượng lớn các dược liệu cũng như một số lượng lớn các vị thuốc, đưa ra những phẩm chất cơ bản cũng như những chỉ dẫn về việc sử dụng ở An Nam.

Nếu tính về thời đại, Hải Thượng Lãn Ông sống và thực hành nghề y cách Albert Sallet trên dưới 150 năm về trước. Nếu nói về y thuật, Hải Thượng Lãn Ông là bậc thầy, là vị tiền bối, là ông tổ của y học cổ truyền Việt Nam. Albert Sallet ghi nhận : « Trong quá trình nghiên cứu dược liệu An Nam, tôi tiếp xúc thường xuyên với công việc của Hải Thượng ». Bộ tập đại thành về Nam y dược học của của vị danh y Việt Nam, trong đó có những trích dẫn từ các sách y học Hán của Trung Quốc và những phần do Hải Thượng Lãn Ông viết, chính là nguồn kiến thức sâu rộng đối với Albert Sallet trong quá trình khám phá, học hỏi và nghiên cứu.

Albert Sallet có mặt gần 30 năm ở Đông Dương (1903-1931), coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Ông là một trong số những nhà Đông phương học, cùng với Deloustal, Giran, Georges Maspéro, Pasquier, Schreine, đã trải qua một phần lớn cuộc đời mình ở thuộc địa và gắn bó với Việt Nam như một lựa chọn. Vị bác sĩ Pháp đã dành nhiều thời gian và công sức để « tìm gặp » vị lương y phương Nam. Ông về Hương Sơn ở Hà Tĩnh, nơi danh y đã sống gần cả cuộc đời mình, từ năm 26 tuổi cho đến lúc mất, tìm gặp các hậu thế của Lãn Ông. Ông đối chiếu những thông tin cung cấp bởi một người trong gia đình Lê Hữu Trác là Cử nhân Lê Xuân Dụ, với những thông tin thu thập được trong sách Địa lý tỉnh Hải Dương, trong các sách vở khác còn lưu tại Thái Y Viện và Cơ học Viện ở Huế. Ông viết : « Xứ Bắc kỳ xưng nơi sinh, nhưng ông sống chủ yếu ở các vùng phía bắc An Nam : ông học hành ở đó, ông thực hành ở đó, ông mất ở đó. Con cháu của ông vẫn cư trú tại Hà Tĩnh. Tôi nắm được một số thông tin từ những người này, tôi thu thập được những thông tin khác từ những sách vở và truyền thống vẫn còn lưu lại, ví dụ như từ Thái Y Viện, nơi chăm sóc sức khỏe của Hoàng cung ».

Nơi ở của Lê Hữu Trác ở Hương Sơn được Albert Sallet miêu tả như sau : “Khu vườn nơi có ngôi nhà ông ấy ở, tại Ban-Thương[6], được gọi là vườn đào. Từ khi tồn tại nơi này của vị danh y giờ chỉ còn lại một gò đất và một cái ao. Trên gò đất, ông ấy thường treo một dải vải dài ở đỉnh cột, mà sự hiện diện của nó chỉ có một mục đích, đó là chỉ cho người thầy thuốc biết được hướng gió (để điều chế thuốc) và các thông tin chỉ dẫn liên quan…”. Ở Hương Sơn ông còn gặp Cống sinh tú tài Đinh Nho Chấn, người chịu trách nhiệm biên soạn bộ sách về y học cổ truyền An Nam gồm 16 quyển có tên là Trung Việt Dược Tính Hợp Biên, do Thái Y Viện chủ trì, thực hiện vào thời vua Duy Tân. « Tôi đã nhờ đến bộ sách của Đinh Nho Chấn cho các công trình về dược liệu của người An Nam. Ông ấy đã cung cấp cho tôi những thông tin có giá trị »[7]. Albert Sallet cũng là người sở hữu một bộ sách Hải Thượng y tôn tâm lĩnh gồm 33 tập và 63 quyển[8], được soạn thảo vào cuối thế kỷ 18 trên các ván khắc và được tái bản lại vào năm 1885 từ bản gốc. Bộ sách được lưu giữ ở Pháp cho đến ngày nay.

Cuộc gặp giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học. Là một người đi tiên phong, với trí tò mò, luôn gợi mở, Albert Sallet mang kiến thức y khoa để cứu giúp người bệnh, để bảo tồn di sản, để hướng đến sự tiến bộ. Ở đó ông đã gặp Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cả về mặt y đức của một thầy thuốc : “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người và vui với cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công[9], và cả về y thuật, về tâm huyết của một nhà khoa học, một bác học:“Đã làm nghề y với ý chí là đem hết sức mình để làm mọi việc đáng làm thì cần trước tác sâu rộng, dương cao ngọn cờ đỏ thắm của nền y học”[10]. Cuộc gặp gỡ giữa hai vị danh y lớn, những người luôn tò mò, khám phá không biết mệt mỏi, cả hai đều chọn đứng bên lề và không màng đến danh lợi, quyền thế và của cải, những người biết cách xa xã hội, giải phóng mình khỏi mọi sự ràng buộc, hướng đến tự do trong khoa học. Theo nhà văn Yvelines Feray, tác giả của tiểu thuyết Ông già Lười, đó còn là sự gặp gỡ của hai nền y học, một loại mà phương Đông gọi là y học mềm médecine douce[11]), một dạng y học khác mà phương Tây gọi là y học đổ máu (médecine sanglante[12]), ngày nay có xu hướng bổ sung cho nhau.

Vừa là thầy thuốc vừa là nhà khoa học, Albert Sallet là người đầu tiên hiểu y học cổ truyền Hoa – Việt « không phải là một hệ thống nguyên khối, kỳ lạ và hoàn toàn lỗi thời trước y sinh học hiện đại, mà là sự đa dạng về kỹ thuật chẩn đoán và khả năng chữa bệnh »[13] và nhận thức rõ những giá trị cũng như những hạn chế về căn cứ và phương pháp. Từ năm 1930, lương y Lê Hữu Trác của Việt Nam được biết đến trong giới y học và khoa học ở Pháp qua bài của Albert Sallet, Một danh y lớn của An Nam : Hải Thượng Lãn Ông (1725-1792)[14] đăng trong số 24 của Tập san Hiệp hội Pháp về lịch sử Y khoa[15]. Trong bài viết này, Albert Sallet tóm tắt tiểu sử Lê Hữu Trác, ghi lại xuất xứ của bộ Hải Thượng y tôn tâm lĩnh (chú thích tên đầy đủ theo Albert Sallet là Tân huề Hải Thượng y tôn tâm lĩnh dương án toàn trạch), cũng như điểm nội dung từng cuốn và các giá trị của bộ bách khoa toàn thư y khoa này. Albert Sallet đánh giá công trình của Lê Hữu Trác như sau : « Tôi tin rằng, thoát khỏi mớ hỗn độn nặng nề của những lý thuyết cũ và tất cả những khuynh hướng lỗi thời vay mượn từ những quan niệm vũ trụ của triết học Trung Quốc, tác phẩm trình bày chi tiết về một liệu pháp có thể trở nên có giá trị. Chắc chắn công việc này thể hiện nỗ lực mạnh mẽ và tận tâm của một người, mà bằng cách hướng quan sát y tế của mình trong quá trình thực hành lâu dài, đã có thể đưa ra những suy luận hợp lý về giá trị của những gì được sử dụng. Nghiên cứu của chúng ta với sự trợ giúp các phương tiện thực sự khoa học có thể kiểm soát một cách chuẩn xác và có lợi ».

Là người phương Tây đầu tiên nghiên cứu về di sản của Lê Hữu Trác và giới thiệu ông tổ của ngành đông y Việt Nam cũng như y học dân tộc Việt Nam ra nước ngoài, Albert Sallet là người mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo về Lê Hữu Trác tại Pháp và trong Pháp ngữ. Hai gương mặt tiêu biểu nhất của thế hệ nối tiếp là giáo sư, bác sĩ Pierre Huard với nghiên cứu Lãn Ông với y học dân tộc Việt Nam (thực hiện cùng Maurice Durand) in trong tạp chí Bulletin de la Société d’études indochinoises năm 1953 và tiến sĩ Y khoa Nguyễn Trần Huân với luận án về Hải Thượng Lãn Ông do Pierre Huard hướng dẫn, bảo vệ năm 1950 cùng các bài nghiên cứu khác. Pierre Huard và Nguyễn Trần Huân cùng giới thiệu về Lê Hữu Trác ở Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội bác học lần thứ 101 ở thành phố Lille, qua hội thảo Y học Việt Nam thế kỉ 18. Về việc chuyển ngữ tiếng Pháp, có thể kể đến các phần Huyền tuẫn phát vi (tập 4) do Nguyễn Văn Thọ dịch (luận án năm 1952), một phần của tập 9 Ngoại cảm thông trị được Nguyễn Trần Thân dịch (luận án năm 1951) ; Bách bệnh cơ yếu (tập 10) do Nguyễn Trần Huân dịch (luận án năm 1950) ; Tọa thảo lương mô (tập 13) được dịch bởi Lê Văn Long (luận án năm 1952) ; Mộng trung giác đậu (tập 15) do Phạm Trọng Lương dịch (luận án năm 1952) ; Châu ngọc cách ngôn (tập 25) được thực hiện bởi Nguyễn Trần Huân (luận án năm 1950) và Nguyễn Ngọc Thắng (luận án năm 1952); Thượng kinh kí sự (tập 26) được dịch và chú giải bởi Nguyễn Trần Huân (xuất bản năm 1972) ; ngoài ra, cuốn Vệ sinh yếu quyết được dịch bởi Trịnh Thị Hoài Tú (luận án năm 1980). Mặt khác, tư liệu của Albert Sallet về Lê Hữu Trác đã giúp cho nhà văn Yvelines Feray trong việc thực hiện cuốn tiểu thuyết Monsieur le paresseux (Ông già Lười), xuất bản năm 2011.

Ngày nay, các phương pháp trị bệnh của Lê Hữu Trác đã được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới, không chỉ trên sách vở, mà cả qua thực hành. Có thể lấy ví dụ Trường Y học phương Đông do bác sĩ Đông y Đỗ Trọng Lê thành lập, với sự ủng hộ và khuyến khích của thiền sư Thích Nhất Hạnh, giảng dạy và thực hành ở Pháp và Đức các biện pháp châm cứu và các phương pháp trị liệu của trường phái Hải Thượng, dựa trên sự cân bằng âm – dương. Trong nhiều năm, bác sĩ Đỗ Trọng Lê cùng một số bác sĩ, nhà nghiên cứu Pháp đã thực hiện các nghiên cứu ứng dụng phương pháp của Lê Hữu Trác để chữa bệnh ung thư, chữa trầm cảm và các bệnh cảm cúm, chữa trị Covid-19 bằng một số loại trà thảo mộc. Đáng tiếc di sản đồ sộ Hải Thượng y tôn tâm lĩnh mới chỉ được dịch một phần sang tiếng Pháp. Cần thiết phải có một công trình tập hợp đầy đủ bản gốc cùng với bản chuyển ngữ và chú giải hoàn chỉnh trong một ngôn ngữ thông dụng, đặc biệt là một ngữ châu Âu.

Tài liệu tham khảo :

  1. Alphen Jan van, Aris Anthony, De Fraeye Mark, Cramant Florène (1998), Médecines orientales : guide illustré des médecines d’Asie, Nxb. Olizane, Genève.
  2. Bonnemain Bruno (2009), Contribution à l’histoire de la pharmacie française en Indochine (1861-1954), trong Revue d’histoire de la pharmacie, năm thứ 96, số 362.
  3. Dartigues Laurent (2012), Histoire d’une rencontre ratée et histoire à parts inégales. Essai sur le discours orientaliste à propos du Viêt Nam 1860-1940, halshs-00769182
  4. Đỗ Trọng Lê, Momer H., Belin MF., Argoul F. (2012), Transformation Yin /Yang dans la thérapie des cancers, Chinese Medecine Times.
  5. Feray Yvelines (2000), Quand un médecin d’occident : Albert Sallet, parle d’un grand médecin d’Extrême-Orient : Le Huu Trac, Trích Bản tin Những người bạn của Huế xưa, số 5.
  6. Feray Yvelines (2011), Monsieur le paresseux, Nxb. Philippe Picquier, Paris.
  7. Guéne Annick (1996), Entre Chine et Occident : Place et rôle de la médecine traditionnelle au Viet-nam, trong Waast Roland và Moulin A.M. (chủ biên), Les sciences hors d’Occident au 20ème siècle, Nxb. Orstom, Paris.
  8. Huard Pierre, Maurice Durand (1953), Un traité de médecine sino-vietnamienne du XVIII siècle : La compréhension intuitive des recettes médicales de Hai-Thuong, Bulletin de la Société d’études indochinoises, Sài Gòn.
  9. Huard Pierre, Maurice Durand (1958), Lân-Ông et la médecine sino-viêtnamienne, Impr. d’Extrême-Orient, Sài Gòn.
  10. Huard Pierre, Nguyễn Trần Huân (1976), La médecine vietnamienne au XVIIIe siècle, 101e Congrès National desSociétés Savantes, Lille.
  11. Lê Hữu Khánh, Thân thế và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông từ góc nhìn văn hóa, Kỉ niệm 290 năm ngày sinh Lãn Ông.
  12. Mangin Anatole (1887), Médecine annamite, Nxb. A. Parent, Paris.
  13. Nguyễn Thị Như Quỳnh (2022), Tìm hiểu sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông qua một số tài liệu lưu trữ, nguồn : luutru.gov.vn
  14. Nguyễn Trần Huân, dịch (1972), Thượng kinh kí sự (Relation d’un voyage à la capitale), Viễn Đông Bác Cổ, Paris.
  15. Phạm Quang Ái (2019), Góp phần đính chính về năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nguồn : http://khxhnvnghean.gov.vn
  16. Sallet Albert (1931), L’Officine sino-annamite en Annam, Nxb. Van Oest, Bruxelles.
  17. Sallet Albert (1930), Un grand médecin d’Annam : Hai-Thuong Lan Ong (1725-1792), Bulletin de la société française de la Médecine, tập 14.
  18. Trịnh Thị Hoài Tú (1980), Contribution à la pensée médicale de Lan Ong, (1720-1791), Luận án Đại học Paris VI, Paris.


[1] Tiền thân của Đại học Y Hà Nội ngày nay.

[2] Học thuyết liên quan đến các lý thuyết y tế và điều trị của Louis Pasteur, người tiên phong trong lĩnh vực vi sinh học với những phát hiện về các nguyên tắc của tiêm chủng, lên men vi sinh và thanh trùng, phát triển vắc xin chống bệnh dại.

[3]Annick Guéne, Entre Chine et Occident: Place et rôle de la médecine traditionnelle au Viet-nam, trong Médecines et Santé, Nxb. ORSTOM, 1996

[4] Pierre Huard, Maurice Durand, Un traité de médecine sino-vietnamienne du XVIIIe siècle : La compréhension intuitive des recettes médicales de Hai-Thuong, Bulletin de la Société d’études indochinoises, Sài Gòn, 1953.

[5] Tập II đã không thể xuất bản do không còn kinh phí nhưng Albert Sallet vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của mình ở Pháp cho đến khi ông qua đời và để lại trong di sản tư liệu của mình những chuẩn bị cho công trình dược điển Nam y chưa xuất bản này.

[6] Thôn Bầu Thượng, thuộc xã Tĩnh Diệm, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

[7]Albert Sallet, L’Officine sino-annamite en Annam, G. Van Oest, 1931.

[8] Theo tư liệu ở Việt Nam, Hải Thượng y tôn tâm lĩnh gồm 28 tập chia làm 66 quyển. Trong bài Một danh y lớn của An Nam : Hải Thượng Lãn Ông (1725-1792), Albert Sallet cũng ghi bộ sách này gồm 63 quyển, hẳn do nhiều quyền bị thiếu.

[9] Dẫn theo Nguyễn Thị Như Quỳnh, Tìm hiểu sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông qua một số tài liệu lưu trữ, Nguồn: luutru.gov.vn

[10] Dấn theo Nguyễn Thị Như Quỳnh

[11] Y học mềm, hay thường được gọi là y học thay thế là một thuật ngữ mô tả các phương pháp điều trị y tế được sử dụng thay thế hoặc bổ sung cho các phác đồ y tế thông thường và các liệu pháp truyền thống. Có nhiều loại y học thay thế khác nhau tùy thuộc vào quốc gia, nhiều phương pháp thực hành như châm cứu, y thuật Ayurveda Ấn Độ, vi lượng đồng căn, liệu pháp sophrology, yoga, y học cổ truyền Trung Hoa, Đông y…

[12] Một phương pháp y học đầu thế kỷ XX, với cảnh cắt mổ trần trụi, chảy máu, rùng rợn và có phần man rợ.

[13] Yvelines Feray, Quand un médecin d’occident : Albert Sallet, parle d’un grand médecin d’Extrême-Orient : Le Huu Trac, Trích Bản tin Những người bạn của Huế xưa, số 5 năm 2000

[14]Theo thông tin của Albert Sallet, Lê Hữu Trác sinh vào năm thứ 6 thời Bảo Thái (1725) – niên hiệu thứ hai của vua Lê Dụ Tông và mất vào năm Nhâm Tý – năm thứ 6 thời vua Lê Chiêu Thống (1792). Vua Lê Dụ Tông đổi niên hiệu Bảo Thái vào năm 1820. Điều này góp phần bác bỏ thông tin về năm sinh của Lê Hữu Trác vào 1720 hay 1721. Vua Lê Chiêu Thống lên ngôi vào năm 1786 (tuy nhiên Lê Chiêu Thống chỉ giữ ngôi đến đầu năm 1789, sau đó là triều đại Quang Trung).

Hẳn do có sai sót nào đó trong cách tính niên hiệu, năm âm lịch và năm dương lịch nên năm sinh và năm mất của Lê Hữu Trác theo ghi chép của Albert Sallet đều muộn hơn một năm so với thông tin học giả Trần Văn Giáp đưa và theo gia phả họ Lê : năm sinh vào năm Giáp Thìn 1724, năm mất vào năm Tân Hợi 1791.

Sai sót về năm sinh của Lê Hữu Trác đã được nhà nghiên cứu Lê Hữu Khánh giải thích và đính chính trong phụ lục bài viết Thân thế và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông từ góc nhìn văn hóa (phần Về năm sinh Lãn Ông), và được nhà nghiên cứu Phạm Quang Ái chứng minh thêm trong bài Góp phần đính chính về năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Từ năm 2010, trong các bài viết có liên quan đến sách Nam dược, giáo sư, tiến sĩ y khoa Makoto Mayanagi của Đại học Quốc gia Ibaraki (Nhật Bản) ghi năm sinh và năm mất của Lê Hữu Trác là 1724-1791.

[15] La Société Française d’Histoire de la Médecine (Hiệp hội Lịch sử Y học Pháp) là một hiệp hội hoạt động công ích, được thành lập vào năm 1902, nhằm mục đích nghiên cứu và quảng bá lịch sử y học và các ngành khoa học liên quan, đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ và bảo tồn các tài liệu và lời chứng quá khứ của khoa học y tế. Tạp chí xuất bản theo tháng hoặc theo quý tùy giai đoạn, tồn tại từ năm 1902 đến 1942.

Xem thêm: Hội thảo khoa học về tiếp nhận và phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
https://baohatinh.vn/van-hoa-giai-tri/hoi-thao-khoa-hoc-ve-tiep-nhan-va-phat-huy-gia-tri-di-san-hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac/229434.htm

Posted in NGHIÊN CỨU VĂN HÓA, LỊCH SỬ, GIÁO DỤC | Leave a comment

Hồ Xuân Hương ở Pháp và trong Pháp ngữ

(Nguyễn Thị Sông Hương) – Bài đăng trong Nghiên cứu Văn học (Literary Studies), tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ISSN 0494-6928, số 604 tháng 6 năm 2022.

Tóm tắt: Tư liệu về Hồ Xuân Hương có mặt ở Pháp từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Cùng với các nhà nghiên cứu trong nước, các học giả Việt Nam ở Pháp đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu và tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp thơ Hồ Xuân Hương. Các nghiên cứu bằng tiếng Pháp bắt đầu ở Việt Nam từ những năm 1940, và càng ngày càng có nhiều nghiên cứu và các bản dịch tiếng Pháp của các dịch giả Pháp gốc Việt cũng như các nhà nghiên cứu, dịch giả Pháp quan tâm đến văn học, văn hóa Việt Nam nói chung và Hồ Xuân Hương nói riêng. Làm sao để dung hòa phần nào sự khác biệt về ngôn ngữ Á – Âu, văn hóa Đông – Tây, khoảng cách thời đại là thử thách lớn đối với người dịch. Bên cạnh đó, thể thơ Đường luật, tính nhạc, các đối nhịp, từ láy độc đáo, cách nói lái, lối chơi chữ, thủ thuật tráo thanh và các tầng nghĩa ẩn trong thơ Hồ Xuân Hương là những yếu tố tạo nên khoảng lệch giữa bản dịch và bản gốc. Nhìn chung các bản dịch đều có những hạn chế và thành công nhất định. Cùng với các ngôn ngữ khác, tiếng Pháp góp phần trong việc giới thiệu và đưa Hồ Xuân Hương ra với thế giới.

Từ khóa: Hồ Xuân Hương, bản dịch, chuyển ngữ tiếng Pháp.

Abstract: Archives concerning Ho Xuan Huong were conserved in France from the late nineteenth and early twentieth centuries. Vietnamese researchers based in France have also made crucial contributions, alongside their colleagues in Vietnam, to scholarly knowledge about her life and poetic career. The first studies on Ho Xuan Huong to be published in French were produced in Vietnam in the 1940s. Since then, increasing numbers of French-language publications and research projects have focused on the poet, and many translations from Vietnamese have also been produced – whether by French-Vietnamese translators or by French researchers and translators interested in Vietnamese literature in general and Ho Xuan Huong in particular. The differences between Eastern and Western languages and cultures, not to mention those between Ho Xuan Huong’s time and the present, pose a huge challenge for translators. The poetic form Đường luật (composed of octaves or quatrains of heptasyllabic lines, according to Tang prosody), the musicality and rhythm of the texts, their use of parallelism, alliteration, and pronunciation-based wordplay, and their multi-layered meanings all necessarily create divergences between the original poems and the translated versions. In general, these translations present certain limitations but also successes. Together with versions in other languages, these French texts have helped to introduce Ho Xuan Huong and her works to the world.

Key words: Ho Xuan Huong, translated versions, translated into French.

Posted in NGHIÊN CỨU VĂN HỌC | Leave a comment

Thành cổ Hà Tĩnh và các phủ huyện xưa

Hà Tĩnh 1831-1945, kí ức về một thời kỳ qua tư liệu ảnh

« Những gì được tìm kiếm có thể được tìm thấy, còn những gì chúng ta bỏ qua sẽ thoát khỏi chúng ta» (kịch gia Sophocles)

Hà Tĩnh nằm trên dải đất ven biển miền Trung, phía bắc của dãy Hoành Sơn, phía Đông của dãy Trường Sơn, bên bờ nam dòng sông Lam, với diện tích 6000 m2, tổng chiều dài các con sông là 400 km, đường biển dài 137 km. Trên đường Cái quan trải theo chiều dài đất nước, đi từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, người lữ khách có lúc không khỏi ngỡ ngàng dùng chân ghé lại một vùng đất non xanh nước biếc mà tên gọi xuất hiện từ thời Hồng Đức thứ 21 cuối thế kỉ 15 : xứ Nghệ An, gọi tắt là xứ Nghệ.

Chúng tôi vẫn được nghe kể rằng, trước cả thời Lạc Long Quân và Âu Cơ, khoảng 2000 năm trước công nguyên, vua Kinh Dương Vương lập nước Việt sơ khai đã chọn Hồng Lĩnh làm nơi đóng đô. Kinh đô đầu tiên của nước Xích Quỷ (tên một vì sao có sắc đỏ rực rỡ) là nơi phong cảnh hữu tình, có 99 ngọn núi thiêng hùng vĩ, thế rồng cuộn hổ ngồi. Nơi đó là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống. Đây là nơi địa linh nhân kiệt, là vùng đất căn bản của đất nước, nơi vua Quang Trung Nguyễn Huệ từng mong muốn dời đến và coi đây là vùng đất “hình thể rộng tãi, khí tượng tươi sáng”.

Một tích khác được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại trong Quốc triều chánh biên toát yếu, quyển IV, phần ghi chép triều vua Thiệu Trị, năm 1842, “Tháng hai, ngài ngự tới Hà Tĩnh, thuyền ngự từ sông Đại Nại qua núi Hồng Lĩnh, đòi quan tỉnh Võ Dức Nhu hỏi thắng tích núi ấy thế nào. Nhu tâu rằng: “Núi này bắt đầu từ huyện Nghi Xuân qua huyện Thiên Lộc (hiện bây giờ là huyện Can Lộc), quanh co dài dắc cả thảy 99 ngọn, người ra truyền ngày xưa có bầy huyền hạc đậu trên núi nầy, cho nên gọi là Hồng Lĩnh”.

Từ Cửu Chân, Cửu Đức, Hoan Châu, tới châu Nghệ An hay Nghệ An trấn, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều triều đại, dù tên gọi khác nhau, dù có lúc địa lý hành chính nới rộng, lúc thu hẹp nhưng xứ Nghệ (Hà Tĩnh và Nghệ An) cùng chung đặc điểm địa lý, khí hậu, phương ngữ, văn hoá, lịch sử, truyền thống cách mạng và tính cách con người.

Vùng đất Hà Tĩnh thực sự có một tên gọi hành chính riêng vào năm 1831, khi vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, lấy phần đất ở phía Nam, từ hữu ngạn sông Ngàn Phố đến Hoành Sơn, nhập phủ Đức Thọ với phủ Hà Hoa làm tỉnh Hà Tĩnh. Khi đó xã Đại Nài, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, được chọn làm nơi đặt trụ sở tỉnh lỵ.

Vào Tự Đức thứ 6 (1853), tỉnh Hà Tĩnh được tổ chức thành “đạo” và nhập vào tỉnh Nghệ An. Phủ Hà Hoa, đổi tên thành phủ Hà Thanh từ năm Thiệu Trị thứ nhất 1841 (do kỵ húy với tên của hoàng thái hậu) được lấy để lập đạo Hà Tĩnh. Đạo thành đặt ở thôn Nài Thị, xã Đại Nài, nguyên lỵ sở huyện Thạch Hà. Năm Tự Đức thứ 17, Hà Tĩnh được đặt riêng làm một đạo, nhưng vẫn thuôc quyền của Tổng đốc An Tĩnh. Năm Tự Đức thứ 28 (1874) tỉnh Hà Tĩnh được đặt lại như cũ. Tỉnh hiệu được giữ từ đó cho đến nay. Ngày 30 tháng 7 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin ban hành Nghị định chuẩn y đạo dụ của vua Khải Định ngày 11 tháng 6 năm 1924, về việc thành lập trung tâm đô thị Hà Tĩnh. Nghị định quy định giới hạn địa lý của trung tâm đô thị ngoài thành (vì nội thành là địa phận hành chính thuộc về triều đình An Nam). Thị xã Hà Tĩnh, bao gồm vùng đô thị và khu vực nội thành hình thành bắt đầu từ đó.  

Tư liệu ảnh Hà Tĩnh thời thuộc Pháp rất ít. Thời kỳ này tỉnh Hà Tĩnh được ghép vào vùng Bắc Trung kỳ (Nord-Annam) cùng với Thanh Hoá, và Nghệ An. Một số bản đồ do người phương Tây vẽ những giai đoạn nhập tỉnh không có tên Hà Tĩnh. Thời nhà Nguyễn và thuộc Pháp, Hà Tĩnh là một vùng đặc biệt nghèo đói, một trung tâm hành chính nhỏ phụ thuộc nhiều vào Nghệ An, ít thu hút người dừng chân. Ngay cả Pierre Dieulefils, cựu sĩ quan viễn chinh Pháp và là nhiếp ảnh gia đã đi khắp Đông Dương, tác giả cúa 4800 bưu ảnh cổ, cũng không có ảnh chụp Hà Tĩnh. Địa danh của Hà Tĩnh xuất hiện nhiều nhất trên bưu ảnh cổ lưu hành thời thuộc Pháp là Hoành Sơn Quan của Han Tinh Quay[1], nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ở Vinh, người đã cung cấp ảnh về nông nghiệp, đô thị và phát triển công nghiệp ở các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An cho Toàn quyền Đông Dương để chuẩn bị cho cuộc triển lãm thuộc địa lớn được tổ chức ở Pháp vào năm 1937. Hoành Sơn Quan, theo cách gọi của người Pháp là « cửa An Nam » (porte d’Annam) là địa danh được nhắc đến và minh họa nhiều trong các sách báo xuất bản ở Pháp đầu thế kỉ XX. Quân đội Pháp cũng thực hiện nhiều ảnh chụp từ máy bay, trong đó có ảnh núi Hoành Sơn và ảnh trung tâm đô thị Hà Tĩnh. Những tư liệu này được lưu tại các trung tâm lưu trữ của Pháp. Bên cạnh đó, số lượng lớn các bức ảnh chụp Hà Tĩnh là những bộ ảnh cá nhân của những người Pháp từng làm việc ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Có thể lấy ví dụ Hippolyte Le Breton, hiệu trưởng trường Quốc học Vinh đã có dịp khám phá Hà Tĩnh trong những chuyến đi dã ngoại từ năm 1924 đến năm 1928, và Charles Jeannin, Công sứ Hà Tĩnh từ năm 1933 đến năm 1936. Trong cuốn sách An Tĩnh cổ lục của Hippolyte Le Breton, các ảnh về Nghệ An do tác giả chụp, còn phần minh họa về Hà Tĩnh chủ yếu sử dụng ảnh của Công sứ Hà Tĩnh Charles Jeannin. Những bức ảnh trong An Tĩnh cổ lục chủ yếu là ảnh di tích địa lý, lịch sử, văn hoá và tôn giáo. Một số khác được chụp khi các chuyên gia từ Pháp sang hay nhân viên của chính quyền Đông Dương chụp trong các chuyến đi khảo sát thực địa. Có thể kể tên Jean-Yves Claeys, kiến trúc sư và nhà khảo cổ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ, Lucienne Delmas và Jeanne Cuisinier, hai nữ chuyên gia của Bảo tàng lịch sử Tự nhiên ở Paris. Ảnh của các tác giả này được thực hiện để phục vụ cho việc nghiên cứu khảo cổ học và nhân chủng học. Các ảnh chụp từ trên không (ảnh thành Hà Tĩnh, ảnh Hoành Sơn Quan) được thực hiện bởi quân đội Pháp. Các bản đồ chủ yếu do các sĩ quan hàng hải, các chuyên gia khảo sát và các cơ quan hành chính Đông Dương vẽ, một số khác được phác thảo để phục vụ cho một số nhiệm vụ nhất định (chiến dịch đàn áp các cuộc khởi nghĩa, dự án xây dựng đường sắt, khai thác mỏ, khảo sát rừng, khảo sát đất đai, khảo sát các vùng bị ngập lụt, điều tra mức sống, vv.)

Hành trình đi tìm dấu tích lịch sử Hà Tĩnh thời nhà Nguyễn, cũng là thời chống Pháp và thuộc Pháp mà chúng tôi thực hiện, bắt đầu từ những trang bán đấu giá tem thư và bưu ảnh cổ rồi tới các trung tâm tư liệu và thư viện. Trong khoảng thời gian từ khi bưu chính được lập nên cho đến khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, không tính hết bao nhiêu thư từ và bưu ảnh đã gửi từ Việt Nam sang châu Âu và cả châu Phi, tuy nhiên thư và ảnh liên quan đến Hà Tĩnh rất ít. Mỗi bức thư, tem thư, mỗi dấu bưu điện đều ghi lại dấu ấn thời gian, địa lý và lịch sử. Jean Simon từng làm phó Chánh tham biện (sous-administrateur) ở Phủ công sứ Hà Tĩnh năm 1935-1937. Hàng tuần Jean Simon gửi về cho bố mẹ, chị gái, anh rể và các cháu ờ Pháp một bức thư kể về công việc, xã hội thuộc địa, việc học tiếng Việt, thói quen và tập quán địa phương. Trong một bức thư gửi từ Hà Tĩnh, ông kể: “Con càng lúc càng nhiều việc hơn. Nhìn chung là, người ta muốn biến Đông Dương thành một nơi hoàn thiện và tỉ mỉ như ở Pháp, trong khi nhân lực lại rất hạn chế. Hai điều này không thể hoà đồng được”. Trong ba năm nhận nhiệm vụ ở Hà Tĩnh, Jean Simon đã để lại một gia tài ảnh lớn về Hà Tĩnh, ghi lại nơi ông ở và làm việc, những nơi ông đã đến, trong đó nhiều bức ảnh quý về nghề dệt ở làng Đông Thái, nghề gỗ Thái Yên, làng làm ruốc Nhượng Bạn, làng làm gốm Cẩm Trang… Jean Simon chỉ ở Hà Tĩnh một thời gian ngắn, do ông là người Do Thái, không được phục vụ theo quy định của chính quyền Vichy. Những bức ảnh đã đi theo người chủ, hay đổi vị trí nhiều lần, tham gia nhiều cuộc chiến tranh, di chuyển châu lục thường xuyên. Sau khi ông mất năm 1944, toàn bộ ảnh, thư từ và giấy tờ cá nhân được người mẹ cất giữ, rồi trao lại cho người cháu họ bây giờ. Ông ấy coi đó là tài sản lịch sử gia đình, muốn lưu giữ cho những người cháu mới 13-15 tuổi, tặng chúng tôi một số ảnh và cho phép chúng tôi sử dụng và giới thiệu toàn bộ tư liệu mà bác ông để lại.

Ở Pháp còn rất nhiều tư liệu như thế gần như bất động hoặc bị lãng quên trong ngăn kéo hay dưới hầm kho các gia đình có người đã từng sang Đông Dương thời kỳ thuộc địa. Thỉnh thoảng một số tư liệu gia đình đó được con cháu khi dọn kho đưa ra chợ đồ cũ hay bán khoán cho những người buôn đồ cổ, tiếp tục xuất hiện trên các trang bán đấu giá và nhanh chóng được các nhà nghiên cứu hay người sưu tập bưu ảnh cổ mua lại. Chúng tôi có may mắn sở hữu một số tư liệu như thế, trong đó có bức ảnh chụp cửa Tiền thành Hà Tĩnh (thành Trung Tiết) vào khoảng năm 1893-1895, có lẽ là bức ảnh xưa nhất về Hà Tĩnh, một số ảnh gốc do gia đình Jean Simon tặng cùng toàn bộ ảnh sao chụp, bản đồ Hà Tĩnh do Pháp xuất bản, thư từ cá nhân của sĩ quan Pháp gửi từ Hà Tĩnh sang Pháp vào những ngày phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh dâng cao, hoặc hồ sơ đồn điền và mỏ than Hương Khê do người Pháp xây dựng và khai thác từ những năm 20 của thế kỉ XX.

Bên cạnh đó, các trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp, và cả trung tâm lưu trữ quốc gia Việt nam còn lưu giữ gần như hoàn chỉnh tư liệu thời kỳ đô hộ của Pháp ở Đông Dương, trong đó có tư liệu về vùng đất kiên cường Hà Tĩnh. Từ năm 1858, khi chiến hạm hải quân Pháp tiến vào vùng biển Đà Nẵng cho đến gần 90 năm sau, khi Việt Nam được độc lập, vùng đất nhỏ tưởng chừng im ắng không có gì đặc biệt này sẽ làm triều đình Huế và người Pháp liên tục đau đầu vì những cuộc nổi dậy, những cuộc khởi nghĩa, những phong trào cách mạng liên tiếp nổ ra. Hồ sơ phủ toàn quyền Đông Dương, hồ sơ Phủ Thống sứ, hồ sơ Nha kinh lược Bắc kỳ và hồ sơ mật thám Pháp theo dõi các chí sĩ yêu nước, các chiến sĩ cách mạng như Phan Đình Phùng, Hà Huy Tập, Ngô Đức Kế, hồ sơ các cuộc nổi dậy ngày một dày lên. Tất cả những biến động xảy ra trong gần một thế kỷ trên vùng đất nhỏ hẹp này đều được người Pháp ghi chép cẩn thận. Bên cạnh đó, chính quyền bảo hộ cũng tiến hành xây dựng đường sá, cầu, hệ thống đập nước, kênh lạch, nhà ga, đường xe lửa, trạm điện tín, đồn điền chè, cao su… Các sự kiện hành chính, thương chính, trị an đều được ghi chép lại và lưu giữ. Đa phần tư liệu Đông Dương được đưa về Pháp sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, hiện nay có thể tìm thấy ở ANOM (Trung tâm lưu trữ Hải ngoại) ở Aix-en-Provence, miền nam Pháp. Chúng tôi đã sao chép toàn bộ hồ sơ liên quan đến Hà Tĩnh đang được lưu trữ ở ANOM.

Các bảo tàng ở Paris như bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (Muséum national d’histoire naturelle), Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme), bảo tàng Jacques Chirac (Musée du quai Branly – Jacques Chirac), và thư viện Quốc gia Pháp (BNF), thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), trung tâm lưu trữ Kiến trúc và Di sản (Centre d’archives de la Cité de l’architecture et du patrimoine), Trung tâm lưu trữ Quốc gia Pháp (Archives nationales) lưu giữ một số ít ảnh, bản đồ có liên quan đến Hà Tĩnh.

Một số ảnh do thợ ảnh người Việt hay người Hoa ở Việt Nam chụp. Thời đó ở Vinh và Hà Tĩnh đều có hiệu ảnh chuyên nghiệp. Tuần báo Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn có đăng một số ảnh của các thợ ảnh này, chủ yếu khi có chuyến công du của vua quan nhà Nguyễn hay quan chức Pháp, khi Hà Tĩnh gặp nạn lũ lụt hay tham gia các cuộc thi đấu thể thao. Có thể kể đến hiệu ảnh Hợp Châu, Đông Minh ở Hà Tĩnh.

Những tư liệu bản đồ và tranh ảnh thu thập được là kết quả tìm kiếm nhiều năm, chủ yếu ở Pháp, được tập hợp lại để giới thiệu lần đầu tiên nhân dịp kỉ niệm 190 năm thành lập (1831-2021) và 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh (1991-2021). Trong Phần một cuốn sách này, chúng tôi chủ yếu giới thiệu thành cổ Hà Tĩnh, trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh thời nhà Nguyễn, tồn tại hơn một thế kỉ, và khu đô thị xưa do chính quyền thuộc địa thành lập, mà tên gọi đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân Hà Tĩnh: Thành Sen. Phần hai dành cho các tư liệu ảnh về Nhân vật, sự kiện và con người Hà Tĩnh dưới thời thuộc Pháp, và thêm vào đó là phần Bản đồ. Phần tư liệu về các phủ, huyện của Hà Tĩnh đã được điểm qua ở đây, sẽ được khai thác trong một công trình hoàn chỉnh hơn. Trong phạm vi một cuốn sách ảnh, chúng tôi không viết lại các thông tin vốn đã được đề cập trong một số công trình nghiên cứu về lịch sử tỉnh Hà Tĩnh, mà chỉ nêu một số nội dung liên quan đến tư liệu được giới thiệu và một số thông tin mới. Bạn đọc có thể tham khảo thêm các công trình Thành phố Hà Tĩnh – Theo dòng lịch sử của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt tận Tổ quốc thành phố Hà Tĩnh và Lịch sử Hà Tĩnh (tập 1, chương VIII) do Đặng Duy Báu chủ biên, Hà Tĩnh – đất văn vật Hồng Lam của Thái Kim Đỉnh. Chúng tôi cũng không sử dụng lại ảnh của Hippolyte và Charles Jeannin, in trong cuốn Le Vieux An-Tinh đã được dịch ra tiếng Việt (An Tĩnh cổ lục).

Hy vọng cuốn sách này có thể giúp ích cho việc tìm hiểu, giảng dạy, nghiên cứu về lịch sử địa phương, phục vụ cho việc phục dựng một số phần di tích trong đó có thành cổ Hà Tĩnh, đồng thời giúp bạn đọc quan tâm hình dung rõ hơn về một Hà Tĩnh xưa ở một giai đoạn nhiều biến cố và thay đổi, dưới triều Nguyễn và thuộc Pháp.


[1] Do không xác định được chính tả chính xác, chúng tôi giữ nguyên tên không dấu, theo cách viết trong tư liệu tiếng Pháp.

Paris 31/10/2021

SH.


https://www.facebook.com/truyenhinhTPHT/videos/500544218439493

https://www.facebook.com/truyenhinhTPHT/videos/1110796169681253

Trao tặng cuốn sách ảnh Thành cổ Hà Tĩnh và các phủ huyện xưa cho Thành phố Hà Tĩnh

Một số hình ảnh trong sách Thành cổ Hà Tĩnh và các phủ huyện xưa
Một số hình ảnh trong sách Thành cổ Hà Tĩnh và các phủ huyện xưa được trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Hà Tĩnh

Truyền hình Hà Tĩnh: Những hình ảnh tư liệu quý về Hà Tĩnh xưa

https://www.facebook.com/hatinhtv.vnn/posts/pfbid02AMe7TGeVCDPjx2EmQS1caS622q39fx2uEdjVpC6FSMCCKNH1wZrhhVvd2sWxKfqFl

https://fb.watch/q8kk4lh-D-

Posted in NGHIÊN CỨU VĂN HÓA, LỊCH SỬ, GIÁO DỤC | Leave a comment

Truyện Kiều, 14 thập kỉ dịch và tiếp nhận, 75 bản dịch trong 20 ngôn ngữ

(Nguyễn Thị Sông Hương) – Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học số 585, tháng 11 năm 2020 và trong Kỷ yếu Hội thảo “Nguyễn Du – Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương nghệ thuật” của Viện Văn học, tháng 11/2020.

Tóm tắt: Kể từ bản dịch đầu tiên bằng tiếng Pháp năm 1884 đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được dịch ra 20 ngôn ngữ với 75 bản dịch. Tiếng Pháp là ngôn ngữ đầu tiên tiếp nhận Truyện Kiều, sau đó là tiếng Ba Lan, tiếng Séc, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Đức. Nhiều bản dịch được thực hiện dựa trên tiếng Pháp, ngôn ngữ có ảnh hưởng nhất ở thời kỳ đầu. Sau này, các bản dịch tiếng Anh ngày càng chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, tiếng Việt có ảnh hưởng dần trên thế giới, đa phần các bản dịch sau này đều dịch trực tiếp từ tiếng Việt. Truyện Kiều ra thế giới thông qua quá trình tiếp xúc ngôn ngữ và mỗi giai đoạn hình thành nên những nhóm dịch giả khác nhau. Dịch giả và độc giả là hai nhân tố đầu tiên có ảnh hưởng lớn tới việc tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới.

Từ khóa: Kiều, Truyện Kiều, Nguyễn Du, bản dịch, chuyển ngữ, tiếp nhận

Abstract: Since it was first translated into French in 1884, Nguyen Du’s The Tale of Kieu has been translated into 20 languages, with 75 translations. French was the first language used to translate The Tale of Kieu, followed by Polish, Czech, Japanese, Chinese, English and German. Many translations are based on the French version, the most influential language in the early days. Later, English translations have increasingly prevailed. Besides, Vietnamese has gradually gained in standing, and most recent translations have worked directly from the original. The Kiều tales were thus brought to a global audience via linguistic influence and each stage in this process was represented by a different profile of translators. Translators and readers are the primary actors who have determined the reception of The Tale of Kiều throughout the world.

Key words: Kieu,The Tale ofKieu, Nguyen Du, translation, reception

Posted in NGHIÊN CỨU VĂN HỌC | Leave a comment

Ly cà phê dưới nắng

Thoát ra khỏi tất cả để tiếp cận điều cơ bản (S’éloigner de tout rapproche un peu de l’essentiel) – Loïck Peyron –

Một ly cà phê dưới nắng, là tên cuốn sách nàng nhận được trong thùng thư vào một ngày đầu tháng 12 – vào 10 ngày trước khi kết thúc phong tỏa đợt hai. Món quà gửi từ một người chưa từng quen biết, một nhà văn Pháp từng đoạt giải Erckmann-Chatrian, được coi là giải Goncourt của vùng Lorraine. Michel Louyot là tác giả của hơn 30 tác phẩm văn học. Đây là cuốn sách mới nhất của ông, viết lúc 82 tuổi. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một giáo sư văn học và tiếp tục công việc đó trong hơn ba mươi năm ở Trung và Đông Âu sau đó ở Viễn Đông. Ông từng là tùy viên văn hóa ở Liên Xô trước khi liên bang xô viết sụp đổ, sau đó ở Nhật 9 năm, lãnh đạo Viện Pháp-Nhật ở Kyushu. Các tài liệu lưu trữ về văn học của ông đã được đưa vào bộ sưu tập của Thư viện Đại học Strasbourg vào tháng 3 năm 2016 và các tài liệu lưu trữ chuyên nghiệp được gửi vào Thư viện của Cục Lưu trữ Bộ Ngoại giao ở La Courneuve kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2016. Gửi kèm cuốn sách có một tấm bưu ảnh in hình bức tranh tự họa của họa sĩ Edmond Louyot (1861-1920), rất nổi tiếng ở Đức, là ông chú của nhà văn.

Bận quá nàng chưa đọc ngay được, chỉ dịch lời giới thiệu của nhà xuất bản giới thiệu cho bạn bè. Sau kì nghỉ Noel và năm mới nàng mới có thể viết một bưu thiếp gửi bưu điện cám ơn nhà văn, còn cuốn sách vẫn chưa kịp đọc. Tác giả bức thư ghi cho nàng địa chỉ bưu điện ở thành phố Strasbourg, thủ phủ của vùng Alsace-Champagne-Ardenne-Lorraine, giáp biên giới nước Đức, cùng với địa chỉ hộp thư điện tử của ông và cả số điện thoại. Nàng chọn cách cổ điển nhất cũng là cách nàng trân trọng nhất. Trong thời đại công nghệ, người ta càng ngày càng ít viết thư tay và cũng quên dần thói quen gửi thư dán tem. Thư từ giao lưu còn lại chủ yếu là thư hành chính, công việc. Ngay đến cả tem thư cũng cũng được đơn giản hóa dần, người gửi có thể dùng tem in máy ngay tại chỗ chứ không cần cầu kì chọn tem nghệ thuật như trước. Đó là một trong những điều đáng tiếc nhất trong thói quen hằng ngày kéo theo việc thu hẹp hoạt động của ngành bưu chính. Nàng chọn tấm bưu thiếp đính lụa minh họa cảnh đồng quê Việt Nam, còn tem minh họa Truyện Kiều vói hình ảnh bức tranh Cung đàn bạc mệnh của họa sĩ Ngọc Mai. Đây là một trong ba mẫu trong bộ tem về Nguyễn Du do nàng thực hiện năm nay, để kỉ niệm 255 ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du (1765-1820). Chỉ đơn giản là một bưu thiếp để cám ơn người tặng sách, không ngờ mấy ngày sau nàng lại nhận được thư trả lời của ông. Thư gửi kèm một bài báo về tác giả cắt ra từ một tờ báo và kí tên ở dưới. Nàng quyết định sẽ tiếp tục trả lời nhà văn, bằng thư bưu điện, nhưng chưa biết có nên đợi đọc xong hết cuốn sách rồi mới trả lời hay không. Không biết ông Michel Louyot có đợi thư tiếp theo của nàng không. Tự nhiên nàng liên tưởng đến nhân vật người kể chuyện và người phụ nữ được kể đến trong cuốn sách. Có thể nào từ một cuốn sách được gửi đi cho một người không quen biết, một câu chuyện khác, thật hơn sẽ được tự viết ra qua những trao đổi giữa nàng và nhà văn ?

« Một ly cà phê dưới nắng nhé ». Đó là lời đề nghị mà một phụ nữ trẻ nói với người kể chuyện mà cô vừa chạm mặt ở nhà ga. Một lời mời có vẻ rất bình thường nếu không phải là vào thời điểm ngay trước khi dịch bệnh bắt đầu. Thay vì nản lòng, việc bị cách ly bắt buộc khiến người đàn ông khao khát tìm kiếm người phụ nữ đó. Nhưng làm sao để tìm được cô khi anh còn không biết tên cô ? Và ngay cả khi anh có gặp, anh có thể nói gì khi không hề biết gì về cô ? Một thách thức mà câu chuyện bùng nổ này cố gắng thực hiện, một kiểu gặp gỡ trong tưởng tượng nơi người kể chuyện một mặt cố gắng ghép những mảnh vụn của cuộc đời mình lại với nhau, mặt khác để tưởng tượng câu chuyện về người phụ nữ vô danh với nước da ngà. Một câu chuyện được treo bằng một sợi chỉ mà người đi bộ buộc chặt bước đi khi không biết mình có đạt được mục tiêu hay không. Sáu mươi ba chương nhỏ được viết trong sáu mươi ba ngày kể từ ngày phong tỏa. Một nỗ lực gần như tuyệt vọng để sắp xếp, hoặc là sắp xếp lại thế giới trong bối cảnh khủng hoảng. Con bướm vàng đang bay ở đâu ? Điều gì đã xảy ra với con hổ với đôi cánh vàng? Và giấc mơ về một ly cà phê trong nắng một ngày nào đó sẽ thành hiện thưc ?

Một ly cà phê dưới nắng không chỉ là câu chuyện về giai đoạn cấm túc, phỏng tỏa ở Pháp vào mùa xuân năm nay. Theo nhà báo Veneranda Paladino, trong bài viết về cuốn sách này trên tờ DNA (Những thông tin mới nhất của vùng Alsace), đó còn là hồi tưởng của nhà văn về những giai đoạn bị đóng kín, từ thời niên thiếu trong các kí túc xá Công giáo những năm chiến tranh, tới 20 năm ở Đông Âu, cho tới sự vô nghĩa của hòn đảo Nhật Bản. Đó là nỗ lực không ngừng và không mệt mỏi thoát ra khỏi sự đóng kín, đôi lúc là thoát ra khỏi cơ thể của chính mình, hướng tới tự do bên trong, sự tự do quý giá nhất. Nhà văn là người đã đi qua gần hết chiều dài của thế kỉ XX, « đã trải qua chiến tranh, sự hỗn loạn của lịch sử, danh dự và sự ô nhục, biến đổi những cú đánh của nghịch cảnh bằng nghệ thuật chữ viết ». « Nếu chúng ta đã quên rằng đêm tối cũng thân thuộc như ban ngày, Michel Louyot nhắc chúng ta và chia sẻ niềm tin của mình vào sức sống bền bỉ của tạo hóa trước mối đe dọa của sự hỗn loạn » (Veneranda Paladino).

Trước khi rời cơ quan, nàng ghé qua phòng làm việc của sếp, khoe cuốn sách nhận được, và kể cho ông nghe về bối cảnh của câu chuyện dựa trên lời giới thiệu của nhà xuất bản và bài báo ông Michel Louyot vừa mới gửi cho nàng. Sếp nàng nói vui : « Biết đâu cô chính là người phụ nữ không quen biết mà người kể chuyện gặp trên sân ga ». Nàng cười : « ừ biết đâu nhỉ » rồi chạy vội ra ga cho kịp tàu về trước giờ giờ giới nghiêm. Cơ quan cấp giấy chứng nhận để có thể về đến nhà muộn hơn một chút so với giờ quy định, nhưng do nàng điền và gửi đi hơi muộn nên chưa nhận được giấy do Giám hiệu trường kí, mà lại quên mất rằng là có thể tự điền giấy dùng một lần. Lên tàu điện ngầm, nàng bắt đầu đọc những trang đầu tiên của cuốn sách. Và lời hẹn về một ly cà phê dưới nắng cốn hút nàng trong suốt 188 trang truyện trên chuyến tàu đi về trong tuần..

Người phụ nữ trong tiểu thuyết đó là ai ? Theo bài báo nói trên, trong phần lớn các cuốn truyện của Michel Louyot, người phụ nữ là chìa khóa, là bí ẩn, là cái cớ của câu chuyện. Nàng tò mò dõi theo người kể chuyện trong cuộc hành trình tìm kiếm nguồn gốc quê hương của người phụ nữ lạ mặt xuất hiện ở trang đầu tiên. Ông ấy băn khoăn : Người Pháp hay châu Á ? Hẳn là người Pháp, nếu dựa theo dáng vẻ tự nhiên và giọng nói thoải mái của cô ấy. Nhưng phía dưới ẩn dấu một cách cảm và cách cư xử hơi khác. Người Nhật, người Hàn, người Hoa ? Và cách phỏng đoán loại trừ dần dẫn người kể chuyện đến một nước thứ tư ở Đông Á : Việt Nam, đất nước có quan hệ lịch sử gần gũi nhất với nước Pháp, dù mối quan hệ đó có phần hỗn loạn. Một người Pháp gốc Đông Dương !  Giả thiết đó là nút đầu của một sợi dây vô hình mà ông sẽ lần theo và dẫn nàng đi theo dù chưa biết đúng hay sai.

« Đông Dương và nước Việt Nam đã gợi nên cho chúng ta bao nhiêu say mê trái ngược nhau » – theo lời của nhà văn. Bây giờ thì nàng hiểu tại sao ông Michel Louyot lại gửi cho nàng cuốn sách này.

Nàng hay là nhà văn, là người đang đợi một ly cà phê dưới nắng ?

Paris 16.01.2021

SH.

Posted in SÁNG TÁC, ĐỌC, DỊCH VÀ GHI CHÉP | Leave a comment

SH’s Garden

Youtube: SH’s Garden – Roses, Camellias and other flowers

https://www.youtube.com/channel/UCynnEHspjnf55-57wmFSbcg/videos

Posted in BẾP, NHÀ & VƯỜN | Leave a comment

Ngoài kia tuyết rơi đầy…

Nỗi cô đơn nào không đau / Nhớ thương bao giờ qua mau… – Phạm Duy, Lời bài hát Tuyết rơi

Cuối năm rồi sang đầu năm mới, ngoại trừ hai tuần nghỉ lễ, nàng gần như chỉ nhìn thấy màn hình máy tính. Mải mê với công việc, lúc ngẩng đầu lên thì đã hết xuân, rồi tranh thủ đi nghỉ hè giữa hai lần cách ly, quay về với công việc, lại giật mình như vừa mới qua hè đã lại hết thu. Sang một mùa đông mới, 4 chậu cây chanh, quất, bưởi được nàng cẩn thận bê vào nhà tránh rét, nhưng chỉ ít hôm nàng lại nhờ con trai bê cây trở lại ban công. Thay đổi môi trường đột ngột, từ chỗ rất lạnh sang chỗ ấm và thiếu ánh sáng, nàng sợ cây khó thích nghi. Nhà mới sửa vẫn chưa xong nên chưa tính chuyện sẽ trồng cây trong vườn thế nào. Giờ nàng chỉ chăm chút mấy chậu chanh, quất này và chậu hoa lan ở phòng làm việc. Hai trong bốn chậu cây này là chanh lai bưởi hay lai cam gì đó, ông ngoại của bọn trẻ mang từ Hà Tĩnh sang. Phần thân bưởi, cam lấn át phần chanh nhưng mỗi năm cũng dư lá cho món phở gà và gà rang. Lá chanh quê rất thơm, cứ sau mỗi mùa hè lại thu hoạch lá, rửa sạch để khô nước, đem thái nhỏ cho vào đông đá để trữ, nếu không thì đông sang lá cũng già và rụng dần. Năm nào cũng vậy, trước mùa đông bê vào tránh rét, sang xuân lại bê ra. Đã 6 mùa như vậy, thời gian trôi qua rất nhanh. Với nàng hai cây chanh lai này còn là kỉ niệm của người cha. Năm nay đáng lẽ cha nàng có thể sang thăm cô con gái lớn vào cuối tháng ba, nhưng vì Covid-19 chuyến đi phải hoãn lại, chưa biết lúc nào mới sang được. Nàng rất ít chuyện trò với người khác và với gia đình cũng vậy. Với nàng quan trọng là những thông tin cần và đủ, và nàng sẽ tự xuất hiện lúc cần thiết. Tình cảm của nàng luôn để ở trong lòng, người hiểu nàng sẽ tự cảm nhận được. Giai đoạn dịch bệnh này, sống giữa tâm dịch nàng không thấy sợ, mỗi lần nghe tin tức Covid-19 ở Việt Nam nàng đứng ngồi không yên. Bao nhiêu người thân của nàng ở đó, nếu dịch bị lây lan trong cộng đồng, cuộc sống của nhiều người sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn khó. Chỉ riêng đợt cách ly 3 tuần cuối tháng tư ở Việt Nam cũng khiến nàng lo lắng không yên cho cuộc sống hằng ngày của gia đình. Chưa nói chuyện nếu phải phong tỏa, cấm túc lâu dài như ở châu Âu, đất nước sẽ rơi vào tình thế khó khăn về mọi mặt. Trong những chuyến đi về của người Việt Nam ở nước ngoài, có một vài chuyện không vui nhưng quả thực không có cách nào khác. Trong tình hình hiện tại, khi có việc gia đình nàng cũng khó có thể về, nên nàng cầu mong người thân luôn được khỏe mạnh. Hơn hai năm nàng chưa về nhà, không chừng vài năm nữa cũng chưa thể về. Trước đây nàng vẫn nghĩ 10 nghìn km từ Đông sang Tây thực chất chỉ là một giấc ngủ đêm, tỉnh giấc là đã đến sân bay Hà Nội hay Charles de Gaulle. Bây giờ mơ ước đó xa vời lắm, đường về có vẻ như ngày càng xa.

Những ngày nghỉ cuối năm ngồi nhà nàng rất nhớ tuyết. Nhớ những mùa Giáng sinh đã trải qua trên sườn núi cao nào đó của dãy Alpes. Lúc bọn trẻ con còn bé, hầu như năm nào gia đình nhỏ của nàng cũng đón Giáng sinh trên núi. Sáng ngủ dậy kéo rèm ra nhìn ra ngoài cả một không gian trắng xoá trải ra mênh mông. Những cây thông thấp khi tuyết vừa ngừng rơi hoá thân thành cây bông tuyết, không gì đẹp hơn những sáng tạo tự nhiên này của tạo vật. Những lần ở trọ không xa một thị trấn nào đó, đêm gia đình nàng có thể lang thang xuống phố, sà vào một hàng sản vật, mua vột vài thứ quà nhỏ, uống một cốc vang nóng hay bia nóng thơm lừng vị quế. Một Giáng sinh màu trắng bao giờ cũng huyền diệu hơn bất kỳ một ngày tuyết rơi nào khác. Rồi nàng nhớ những mùa đông trên tầng cao của toà Zamansky của trường Đại học Paris 6 mang tên hai nhà bác học Pierre và Marie Cuirie, nay đã nhập với trường Đại học Sorbonne Paris 4, vừa ngắm tuyết bay như rải bông tứ phía, vừa nghe “ngoài kia tuyết rơi đầy, anh không đến bên em chiều nay”, “tombe la neige, tu ne viendras pas ce soir” – lúc thì nghe bằng tiếng Việt lúc khác lại nghe bằng tiếng Pháp. Chỉ sau 15 phút nhìn xuống dưới sân và trên mái giảng đường chỉ thấy một màu trắng xoá. Buổi chiều cơ quan cho nhân viên về sớm để tránh tuyết phủ đầy đường xe và tàu không thể chạy. Như đợt tuyết cách đây vài năm, 700 km đường ô tô quanh vùng Paris bị tắc nghẽn vì tuyết. Có lần vào một đợt tuyết rơi dày, chồng nàng rời cơ quan lúc 4 giờ chiều và về tới nhà lúc 4 giờ sáng, với một chặng đường ngày thường chỉ 30 phút chạy ô tô.

Giáng sinh năm 2020 thời tiết khô, Paris không có tuyết, còn các trạm trượt tuyết thì đều đóng cửa tránh Covid-19. Chỉ tiếc rằng vùng Paris rất ít khi có tuyết, lại càng hiếm vào tháng 12. Nhưng năm này gần giữa tháng một dự báo có tuyết. Quả nhiên hôm nay gần một nửa nước Pháp chìm trong bão tuyết. Sáng tinh mơ nhìn thấy tấm ảnh những ngôi nhà phủ tuyết của một người em đồng hương gửi, nàng giật mình mở cửa nhưng bên ngoài vẫn khô ráo. Bức ảnh đó chụp ở tỉnh xa. Giữa buổi sáng tuyết mới bắt đầu rơi từng hạt nhỏ li ti như mưa rồi bông nhẹ dần lên, đến quá trưa, đường đi bộ và các khu vườn đã phủ đầy màu trắng. Đằng trước, lối đi bộ trắng xóa, người qua đường dẫm lên để lại những vết dày ngoằn ngèo nhưng chỉ ít phút sau tuyết đã lại lấp đầy. Con gái đi học về đầu tóc, dày dép ướt nhẻm, nhưng rất vui bảo mẹ « ở ngoài đẹp mẹ ạ ». Nàng ấy vừa bốc tuyết nghịch một lúc ở ngoài mới về. Nàng ra cửa phòng con, nhờ con mở bài hát Tombe la neige rồi quay hình bọn trẻ dưới vườn đang lăn tuyết thành cuộn to làm ông già Tuyết. Gõ bài hát lên Google gặp ngay video trên kênh của Trung tâm tư liệu đài phát thanh truyền hình Pháp ngữ Thụy Sĩ. Bài hát thu từ năm 1963 của nam ca sĩ Ý-Bỉ Salvatore Adamo. Nghe bài Tuyết rơi nàng thường nghĩ đến ca sĩ Ngọc Lan, giọng hát trong veo, thanh thoát với rất nhiều bài đã đi suốt thời sinh viên của nàng, cái thời rảnh ra là đi tìm bài hát ghi băng cát xét để đầu giường.  Người yêu dấu, Ngàn năm vẫn đợi, Mưa trên biển vắng, và những lời ca ngân nga mãi Anh còn nhớ hay quên tình xưa êm đềm /Anh còn nhớ hay quên vòng tay ân tình… Thỉnh thoảng cô bạn thân của nàng lại hát một bài Ngọc Lan thường hát và gửi cho nàng nghe, trong đó có bài Tuyết rơi. Mới đây nàng mới biết Ngọc Lan đã qua đời năm 2001, ở tuổi 45. Tiếc thương một tài sắc đoản mệnh. Sáng sớm nay lúc tỉnh giấc nàng cũng thấy nhiều người chia sẻ tin buồn danh ca Lệ Thu vừa qua đời ở Mỹ vào ngày hôm qua vì Covid-19. Hẫng hụt, có gì đó mất mát rất lớn. Cho đến lúc đó nàng vẫn đinh ninh bài hát Thời hoa đỏ mà nàng vẫn nghe là do Lệ Thu ở Mỹ hát. Nàng thường nhắc đến bài hát mà nàng được nghe vào ngày nhập học đón khoá mới Ngữ văn K42 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, tại hội trường lớn đối diện chùa Thánh Chúa. Bài hát do chị Thi Cầm, Ngữ văn K39 thể hiện, chị hát rất hay. Bài hát đó đã đi cùng những năm tháng sinh viên, thành kỉ niệm khó quên của bất cứ những ai từng là sinh viên khoa Ngữ văn thời đó. Mới đây nàng bất ngờ gặp lại Thời hoa đỏ trên sân khấu Paris vào đầu năm 2020. Ca sĩ Thái Bảo hát rất hay nhưng có lẽ vì đã quen nghe Lệ Thu nên nàng vẫn chỉ có thể cảm nhận bài hát và lắng nghe cảm xúc của mình qua qua giọng của Lệ Thu. Với nàng đó là những tâm tình của một thời tuổi trẻ, với những kỉ niệm không thể quên, với những người từng gặp, với quãng đời đẹp nhất đã đi qua.

Sau bài hát rồi em lặng im, cái lặng im rực màu hoa đỏ /

Sau bài hát rồi em như thể, em của thời hoa đỏ ngày xưa…

Tìm kiếm thông tin về Lệ Thu một lúc nàng mới ngỡ ngàng, hóa ra nhiều người, trong đó có nàng, đã nhầm danh ca Lệ Thu ở Mỹ với ca sĩ Lệ Thu ở Pháp. Người hát bài Thời hoa đỏ thực ra ở rất gần nàng, có mặt ở vài cuộc triển lãm mới đây ở Paris mà nàng không để ý. Năm nay, triển lãm về Nguyễn Du do nàng thực hiện và triển lãm tranh của Lệ Thu cùng với một họa sĩ khác là những sự kiện văn hóa hiếm hoi liên quan đến Việt Nam được tổ chức ở Paris trong mùa Covid-19. Cách nhanh nhất để liên lạc với chị ấy là qua Facebook. Giữa nàng và Lệ Thu có không ít bạn chung. Chị bảo : «Vậy là em đã tìm ra người hát Thời hoa đỏ rồi đó». Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, cám ơn một chữ duyên.

Và bây giờ nàng lại đang nghe bài Tuyết rơi do Lệ Thu Paris hát, còn trong bếp nồi bún bò Huế thơm lừng đang sôi. Nàng rất tự tin với món đặc sản Huế này, cảm thấy tự nấu là ăn vừa miệng nhất, nhưng món kì công mà nàng lười đi hết chợ này sang chợ khác mua cho đủ đồ nên lúc muốn ăn thì lại chạy ra Phở 13 cho nhanh. Thời gian này hàng quán đóng hết. Các chị em bạn của nàng thì thường đặt người ta làm mang đến nhà. Các bạn sinh viên và các gia đình trẻ Việt Nam tận dụng thời gian này để phát triển các hình thức thương mại nhỏ, phục vụ nhu cầu ăn uống và của người Việt xa xứ. Hầu như bất cứ nguyên liệu bếp của Việt Nam nào cũng có thể đặt mua và bất cứ món gì của Việt Nam cũng có thể đặt các bạn ấy làm, đỡ được phần nào thời gian và sự thiếu vắng của hương vị quê nhà.

Tối hôm kia chính phủ lại ra thông báo bắt đầu từ tối thứ bảy này giờ giới nghiêm từ 20 giờ sẽ chuyển lên sớm hơn thành 18 giờ, nên nàng tranh thủ về sớm chạy quan chợ châu Á ở Place d’Italie. Cơ quan nàng cũng sẽ đóng cửa vào giờ đó, có thể làm giấy đi lại để có thể về nhà sau 18 giờ không bị cảnh sát phạt, nhưng chợ cũng đóng giờ đó thì khó có thể ghé chợ sau giờ làm. Thời gian này châu Âu đang rất lo ngại với việc lây lan của vi rút chủng mới đến từ Anh và từ Nam Phi. Nước Đức phong tỏa hoàn toàn từ trước Giáng sinh. Nước Anh phong tỏa từ gần hai tuần trước. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran nhận định 1% số ca dương tính ở Pháp là vi rút Anh, mỗi ngày 200-300 ca nhiễm. Tuy nhiên vừa qua đợt phong tỏa thứ hai cách đây một tháng, Pháp không phong tỏa lại mà chỉ thắt chặt việc giới nghiêm. Cũng không hiểu giới nghiêm sớm hơn thì có tránh được đáng kể chuyện virus lây lan hay không. Người đi làm thì ít ai la cà, bọn trẻ không đi làm mà muốn la cà thì bất kể sớm hay muộn cũng có thể tụ tập được. Dù ngày hay đêm vẫn nhiều thanh niên ngồi quán bar. Virus xuất hiện ở những nơi không có khẩu trang,  hàng quán là nơi dễ lây lan nhất. Nàng cảm thấy các biện pháp đều nửa vời. Ví dụ sinh viên được học từ xa từ đầu mùa dịch, còn học sinh lại phải đến trường đều đặn hằng ngày, lí do là để cho bố mẹ có thể đi làm mà không phải vướng chuyện ai trông con. Bọn trẻ đi học phải đeo khẩu trang cả ngày nhưng giờ ăn trưa thì bỏ khẩu trang tụm năm tụm bảy nói chuyện. Nhà trường cũng đã cố gắng thu xếp để giờ ăn không đông quá nhưng xem chừng vẫn lộn xộn và khó kiểm soát. Con trai nàng học hệ chuẩn bị ở Paris nên thường ăn trưa ở trường và mỗi tuần một lần ăn ở ngoài. Do cấp ba và hệ chuẩn bị học chung nên phụ huynh của cấp ba đề nghị trường cho hệ chuẩn bị học ở nhà để giảm bớt mật độ lên lớp. Giải pháp của trường là học sinh hệ chuẩn bị mỗi tuần một lần sẽ học ở nhà, luân phiên các thứ từ tuần này sang tuần khác. Cách giải quyết khó hiểu, ngoài chuyện gọi là có làm gì đó để trả lời yêu cầu của phụ huynh thì chẳng có tác dụng gì trong việc chống Covid-19.

Buổi chiều tuyết ngừng rơi thì trời bắt đầu mưa rải rác. Nước mưa lẫn với tuyết tan và người đi lại dẫm lên khiến đường sá bắt đầu lấm lem. Từ lúc tuyết rơi nhà nhà quay phim, người người chụp ảnh, và đặt cho những tấm ảnh, những video đó một cái tên lãng mạn : tuyết đầu mùa Paris. Nói đến tuyết đầu mùa nàng nhớ đến những bộ phim Hàn. Theo quan niệm của người Hàn, khi tuyết bắt đầu rơi thì mọi điều không vui cũng đều có thể được hóa giải. Người Hàn Quốc coi tuyết đầu mùa như lời tỏ tình của mùa đông. Người ta chờ đợi thời khắc lãng mạn nhất để đi bên nhau, thổ lộ những lời yêu thương sâu kín, chia sẻ tình cảm ấm áp từ trái tim

Trong những câu chuyện kể của nàng hôm nay có một câu chuyện cổ tích mùa đông.

Paris, 16.01.2021

SH.

Posted in SÁNG TÁC, ĐỌC, DỊCH VÀ GHI CHÉP | Leave a comment

Từ bức ảnh O du kích nhỏ của Phan Thoan tới tới trường phái  hội họa Hình tượng tường thuật ở Pháp

(Nguyễn Thị Sông Hương)

« Vietnam. La Bataille du riz » (Việt Nam. Cuộc chiến cơm áo) của Gilles Aillau, 1968, tranh 200 x 200

Bức tranh sơn dầu Vietnam. La bataille de riz  (tạm dịch là Việt Nam. Cuộc chiến cơm áo của Gilles Aillaud, hoạ sĩ Pháp theo xu hướng Hình tượng tường thuật (Figuration narrative) vẽ vào năm 1968, lấy hình mẫu và cảm hứng từ bức ảnh O du kích nhỏ (1965) của nhiếp ảnh gia Phan Thoan, Hà Tĩnh (*).

Trên ngực áo của người lính Mỹ bị bắt trên bức tranh có ghi “Robinson », «US Air Force». Đó là William Andrew Robinson, nhân viên Mỹ trên máy bay trực thăng HH-43 Huskie có nhiệm vụ giải cứu phi công của một chiếc máy bay F-105 bị bắn rơi tại Hương Khê, bị bắt tại Hà Tĩnh ngày 20 tháng 9 năm 1965 và là người tù binh bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ, 2703 ngày, tới tháng 2 năm 1973 mới được thả. Robinson hiện sống tại Madisonville, thuộc bang Kentucky, Mỹ.

“O du kích nhỏ” là nữ dân quân Nguyễn Thị Kim Lai, ở Hà Tĩnh.
Robinson và o du kích Kim Lai đã có dịp gặp lại nhau vào năm 1995 khi Robinson tham gia một phóng sự của truyền hình Nhật Bản.

O du kich nho.jpg
O du kích nhỏ“ – ảnh của Phan Thoan

Bức ảnh O du kích nhỏ do nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan chụp, lúc đầu có tên là Uy thế không lực Hoa Kỳ về sau bức ảnh còn có những cái tên khác như Giải giặc lái Mỹ hay O du kích nhỏ và tên giặc lái Mỹ. Ra đời trong bối cảnh không quân Mỹ oanh tạc dữ dội miền Bắc Việt Nam, bức ảnh người nữ dân quân nhỏ bé áp giải tù binh Mỹ cao lớn, đã gây được tiếng vang lớn và, có sức lan tỏa đặc biệt. Năm 1967 bức ảnh được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam và phát hành khắp thế giới. Năm 1968, bức ảnh đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi ảnh của Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Sofia (Bulgaria), và được đăng ở nhiều nước như Liên Xô cũ, Cuba, Đức… Họa sĩ Gilles Aillaud vẽ bức tranh Việt Nam. Cuộc chiến cơm áo cùng năm đó.

Tem thư “O du kích nhỏ” năm 1967 (Nguồn ảnh : internet)

So với tấm ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Phan Thoan, bức tranh vẽ của Gilles Aillaud khác phần phông nền. Hình ảnh « O du kích nhỏ giương cao súng” được đặt trên nền phông cánh đồng lúa và cảnh cấy lúa, cảnh đàn trâu ra đồng. Người nghệ sĩ Hình tượng tường thuật băn khoăn về vai trò của nghệ thuật đối với tương lai của thế giới đã chủ đích thêm cảnh này vào tạo nên sự tương phản. Cánh đồng lúa, một hình ảnh thanh bình của làng quê Việt Nam đang bị đe doạ bởi thế lực bên ngoài. “Cuộc chiến cơm áo” theo tên gọi ở đây, là cuộc chiến để bảo vệ sự thanh bình đó, cuộc chiến để giành lại những gì bình thường thiết thực nhất, để bảo vệ cuộc sống thường ngày của những người dân trên một đất nước đang bị xâm lăng. Bức tranh thể hiện sự đối lập giữa một người phụ nữ nhỏ bé và một người đàn ông cao lớn, giữa phong cảnh, con người, đất nước Việt Nam và một kẻ lạ bên ngoài, giữa cảnh thanh bình và thế lực thù địch, giữa nền văn minh lúa nước và bạo lực chiến tranh, giữa dáng vẻ hiên ngang và sự khuất phục, giữa người bảo vệ công lý và kẻ phạm tội… Hình ảnh nhân vật thẳng trên nền dọc của bức tranh tương phản với những đường vạch ngang của cánh đồng lúa. Cảnh nền tĩnh phía sau ngược với chuyển động của nhân vật ra phía trước.

 Bức tranh Việt Nam. Cuộc chiến cơm áo được trưng bày tại cuộc triển lãm Hình tượng tường thuật – Paris 1960-1972 tại Cung Nghệ thuật lớn Paris (Grand Palais) năm 2008.
Xu hướng hội hoạ Hình tượng tường thuật xuất hiện ở Pháp vào những năm đầu thập kỉ 60 của thế kỉ trước, vào giai đoạn căng thẳng chính trị quốc tế: chiến tranh Algeria, các sự kiện Chiến tranh Lạnh, chiến tranh Việt Nam, cuộc xung đột Ả Rập Israel, cái chết của Che, vụ Ben Barka, sự kiện Tháng 5 năm 1968 ở Pháp… Các nghệ sĩ đã sử dụng nghệ thuật để bày tỏ sự bất bình, “không thể kiềm chế.”. Đối với Gilles Aillaud, tác giả của Việt Nam .Cuộc chiến cơm áo, điều quan trọng là phải “đối mặt với mối quan tâm ý thức hệ chứ không phải là vấn đề thẩm mỹ”.

Mặc dù Hình tượng tường thuật không tuyên bố như một trào lưu, nhưng xu hướng này được đánh dấu bởi cuộc triển lãm ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris năm 1964 Những câu chuyện thần thoại hàng ngày (Mythologies quotidiennes), tiêu đề lấy từ tên một cuốn sách của Roland Barthes. Một thời gian sau, các nghệ sĩ Emile Aillaud, Eduardo Arroyo, Henri Cueco, Antonio Recalcati et Gérard Tisserand, đặt mục tiêu đưa nghệ thuật trở thàn công cụ biến đổi xã hội đã khẳng định một bước tiến của Hình tượng tường thuật.

Tranh vẽ tập thể « Vivre et laisser mourir, ou la fin tragique de Marcel Duchamps » (Sống và rồi để chết, hay kết cục bi thương của Marcel Duchamps) của Gilles Aillaud,, Eduardo Arroyo và ARROYO, Antonio Reccalcati – 1965, tranh 162 x 130 cm

Hình tượng tường thuật là nghệ thuật nhập cuộc, đối lập với nghệ thuật trừu tượng, đối lập với trào lưu Pop Art ở Mỹ, phản đối “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Các nghệ sĩ đặt xã hội đương đại vào trung tâm của nghệ thuật. Chủ đề của Hình tượng tường thuật là cảnh đời sống hiện thực hằng ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và chính trị.
Họa sĩ Gilles Aillaud sinh năm 1928, mất năm 2005 ở Paris. Trong suốt thời đi học cho đến năm 1945, ông vẽ mỗi ngày một bức tranh. Năm 1946,1947 ông học triết học. Năm 1949 ông trở lại với hội hoạ. Vào những năm 1950 ông thường vẽ chim và cảnh biển. Năm 1952 ông tổ chức cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên. Năm 1965, Gilles Aillaud trở thành chủ tịch Phòng tranh trẻ. Ông tham gia thực hiện các bức tranh tập thể với Eduardo Arroyo và Antonio Recalcati, Niềm đam mê trong sa mạc (Une passion dans le désert), Sống và rồi để chết hay kết cục bi thương của Marcel Duchamps (Vivre et laisser mourir ou la fin tragique de Marcel Duchamp). Đặc biệt bức tranh Sống và rồi để chết hay kết cục bi thương của Marcel Duchamps là tranh liên kết 8 bức hoạ, đồng kí tên các tác giả, sáng tác năm 1965 vào dịp triển lãm Hình tượng tường thuật trong nghệ thuận hiện đại ở phòng tranh Creuze ở Paris và hiện nay đang được trưng bày ở bảo tàng Reina Sofia ở Madrid. Các tác giả của những bức tranh này đã chỉ trích việc Marcel Duchamp (hoạ sĩ trường phái Nghệ thuật khái niệm) từ chối “nhập cuộc”. Họ là những người thực hiện thực hiện hội hoạ chính trị, họ muốn tác phẩm của họ phải đi vào thực tế cuộc sống chứ không phải như trưng bày bảo tàng. Trong mắt họ, Marcel Duchamp xa lánh hiện thực, như thể chỉ cần chạm vào một vật thể để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Aillaud giải thích trong lời nói đầu của tác phẩm: “Đối với chúng tôi, những người có ý định thể hiện mình là những cá nhân thực sự trong thời gian và không gian, vấn đề không phải là sáng tạo hay khám phá những hình thức thể hiện nghệ thuật mà hướng về tư duy nhiều hơn”.

(*) Nhiếp ảnh gia Phan Thoan (bút danh: Phan Tuất) sinh ngày 11 tháng 11 năm 1924, quê ở xã huyện Đức Thọtỉnh Hà Tĩnh. Ông nguyên là Cán bộ văn hóa nghệ thuật Ty Văn hóa Tỉnh Hà Tĩnh cũ, hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh. Ông đã từng đoạt các giải thưởng sau : Huy chương vàng Triển lãm ảnh quốc tế tại Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 9 ở Sofia (Bulgaria) năm 1968, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, kỉ niệm chương « Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuậ Việt Nam ». Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan vừa qua đời vào sáng 08/12/2020 tại nhà riêng ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Nguyễn Thị Sông Hương

Paris, 2018-2020

Posted in SÁNG TÁC, ĐỌC, DỊCH VÀ GHI CHÉP | Leave a comment