Dịch giả Rafael Lobarte Fontecha:mọi khó khăn đều có thể vượt qua dựa trên tình yêu và sự tôn trọng đối với tác phẩm

(Nguyễn Sông Hương) – Bài đăng trên Báo Hà Tĩnh, số đặc biệt Tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, tháng 9 năm 2020.

Vào dịp kỉ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, một bản dịch Truyện Kiều tiếng Tây Ban Nha do dịch giả Rafael Lobarte Fontecha (1) thực hiện, được nhà xuất bản Hiperión (Tây Ban Nha) phát hành. Đây là lần đầu tiên độc giả Tây Ban Nha được tiếp xúc với Truyện Kiều bằng ngôn ngữ của họ (2).

Dịch giả Rafael Lobarte Fontecha có dịp đến Việt Nam vào năm 2007. Chuyến đi đó là “không thể nào quên” đối với ông bởi nhiều khám phá mới, đặc biệt “sự tiếp xúc với một sáng tạo tuyệt vời”, đó là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Năm năm sau, bản dịch tiếng Tây Ban Nha của ông ra đời ở thủ đô Madrid. Độc giả Jorge de Arco bình luận rằng, “Nhờ vào công trình tuyệt vời của Rafael lobarte Fontecha, “chúng tôi có cơ hội khám phá trong chiều sâu câu chuyện về sự ghen tuông, về những đam mê, và lòng không chung thủy … nhưng trên hết là một tình yêu thực sự và chân chính”. Cũng theo Jorge de Arco, bản dịch không chỉ phác họa những điểm cơ bản của kiệt tác Truyện Kiều, mà còn đặt các phương diện kinh nghiệm và văn học của Nguyễn Du trong bối cảnh thời gian và không gian, giúp người đọc hiểu hơn về thời đại mà Nguyễn Du sống và thời điểm kiệt tác của ông ra đời. (3)

Theo dịch giả, đây là một bản dịch song ngữ khó thể hiện nhịp điệu, vốn là khía cạnh trực quan thông thường của một văn bản thơ. Nhưng ông đã cố gắng để phiên bản tiếng Tây Ban Nha mang hơi hướng trữ tình nhất có thể và bảo tồn tối đa các yếu tố của bản gốc khi chuyển sang một ngôn ngữ mà cú pháp và ngữ âm rất khác với tiếng Việt. Ông cũng cố gắng để bản dịch không sa đà vào chú giải dễ gây nhàm chán cho người đọc.

Bài phỏng vấn dịch giả Rafael Lobarte Fontecha dưới đây được thực hiện trong chương trình kỉ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du và đánh dấu 14 thập kỉ Truyện Kiều ra thế giới.

Ông đã làm quen với văn học Việt Nam và khám phá Truyện Kiều của Nguyễn Du như thế nào ?

R. Lobarte: Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với văn học Việt Nam là lúc tôi chuẩn bị cho một chuyến đi đến Đông Nam Á. Trong tất cả các sách hướng mà tôi đã tham khảo đều có giới thiệu Truyện Kiều, được coi là thành tựu đỉnh cao của thơ ca Việt Nam và là tác phẩm sử thi quốc gia lớn. Do tôi là một người say mê thơ sử thi (Homero, Virgilio, Dante, Tasso, Camôes, Ercilla, Milton…), tôi bị cuốn hút với tác phẩm này ngay lập tức khi tôi tìm thấy một bản dịch song ngữ  tiếng Pháp trong một hiệu sách cũ ở Sài Gòn. Ngay khi tôi nhìn vào cuốn sách, tôi nhận ra rằng đó là một cái gì đó khác biệt.

Điều gì đã thúc đẩy ông dịch Truyện Kiều ? Bản dịch được thực hiện trong bao lâu, dịch từ nguyên bản tiếng Việt hay thông qua một bản dịch khác ? Ông có tham khảo các cuốn sách hay có sự trợ giúp của ai khác ?

R. Lobarte: Tôi quyết định dịch Truyện Kiều bởi vì, ngay khi tôi bắt đầu đọc nó, tôi đã rất phấn khích. Những câu thơ đầu tiên của tác phẩm mới đọc đã rất khó quên.

Tôi phải mất vài năm cho việc này, vì dịch thuật không phải là nghề thông thường của tôi, tôi chỉ sử dụng thời gian rảnh mà tôi có. Mặt khác, vào thời điểm đó tôi hoàn toàn không biết tiếng Việt, vì vậy việc lấp đầy sự thiếu hụt này cũng mất thời gian. Đó là một bản dịch trực tiếp của bản gốc. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng, do kiến ​​thức về tiếng Việt của tôi không hoàn hảo như tôi mong muốn, tôi cần sử dụng các bản dịch khác, cả tiếng Pháp và tiếng Anh, những ngôn ngữ mà tôi có thể đọc mà không gặp khó khăn gì, và đó là những bản dịch được thực hiện bởi các dịch giả song ngữ.

Giữa ngôn ngữ nguồn là tiếng Việt, đặc biệt tiếng Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều và ngôn ngữ đích mà ông sử dụng có những điểm tương đồng và khác biệt nào? Những khác biệt đó có ảnh hưởng thế nào trong việc chuyển tải nội dung và cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều đến với độc giả ?

R. Lobarte: Tiếng Việt là một ngôn ngữ thanh điệu, còn tiếng Tây Ban Nha là một ngôn ngữ trọng âm, nên việc cố gắng chuyển các giá trị ngữ âm từ bản gốc sang tiếng Tây Ban Nha là một nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, ngay từ đầu tôi đã biết rằng phần lớn các phương diện văn học của tác phẩm gốc có thể được bảo tồn, ít nhất là những gì chung giữa hai ngôn ngữ như vẻ đẹp của hình ảnh, ẩn dụ, đối xứng, gaio thoa, nghịch lý, v.v.

Ngoài những khác biệt về ngôn ngữ, những khó khăn gặp phải khi dịch Truyện Kiều là gì ? Theo ông, một dịch giả cần có những kiến thức cơ bản và kĩ năng cần thiết nào để có thể dịch thành công một tác phẩm như Truyện Kiều sang ngôn ngữ khác ?

R. Lobarte: Khó khăn lớn nhất là, như tôi vừa chỉ ra, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt hầu như không có điểm tiếp xúc, cả về ngữ âm và cú pháp. Tuy nhiên, mọi khó khăn đều có thể vượt qua dựa trên tình yêu và sự tôn trọng đối với tác phẩm mà bạn dịch, cần sự cống hiến và phát huy tất cả các năng lực văn chương mà bạn có, về điều này là điểm mạnh của tôi, với tư cách là nhà văn và nhà thơ.

Truyện Kiều được viết bằng thể thơ lục bát. Ông đã dịch sang thể thơ văn xuôi tiếng Tây Ban Nha. Người ta cho rằng dịch thơ là không thể. Ông đã thực hiện việc không thể đó như thế nào ?

R. Lobarte: Mặc dù thông thường tôi thường chọn dịch có vần nhịp thành tác phẩm thơ, nhưng trong trường hợp này tôi thấy một bản dịch thơ văn xuôi phù hợp hơn. Đối với ngôn ngữ Tây Ban Nha thì đây là cách khá phổ biến, thường thấy trong các bản dịch từ một ngôn ngữ phương Đông và như vậy người đọc đương thời được chuẩn bị tốt hơn. Tôi cũng đã nghĩ đến khả năng dịch thành thể thơ tám âm tiết (octosílabos) kiểu thơ romance (4), một hình thức thơ truyền thống tuyệt vời của Tây Ban Nha, nhưng cuối cùng tôi đã nghĩ rằng một nỗ lực như vậy có thể mất quá nhiều thời gian, trong khi dễ dẫn đến nguy cơ với việc không nên làm, là xa rời bản gốc. Vì vậy, tôi đã loại bỏ ý định đó.

Tôi không nghĩ là không thể dịch thơ. Điều chắc chắn là thơ chỉ có thể được dịch qua thơ; do đó, bản dịch của nó về cơ bản là một tác phẩm thuần túy sáng tạo văn học.

« Traduttore, traditore » là một câu nói vui tiếng Ý với nghĩa « Dịch là phản bội » (nghĩa đen: “Người dịch, kẻ phản bội”). Ý kiến của ông về câu này như thế nào qua việc chuyển dịch Truyện Kiều sang tiếng Tây Ban Nha ?

R. Lobarte: Đó là một câu tiện dụng đến nỗi không có dịch giả nào coi đó là nghiêm túc. Về vấn đề này, tôi muốn chỉ ra rằng trong lĩnh vực văn học Tây Ban Nha có những ví dụ kinh điển về dịch thuật, được coi là những điểm mốc trong ngôn ngữ của chúng tôi. Để làm ví dụ, chúng ta có thể dẫn bản dịch tuyệt tác về tập thơ Bucólicas của nhà thơ Latinh Virgilio được thực hiện bởi nhà thơ Tây Ban Nha thế kỷ XVI Fray Luis de León hay là Il Cortegiano của Baldesar Castiglione, một tác phẩm tiêu biểu của sự phát triển văn xuôi Tây Ban Nha thời hoàng kim, thực hiện bởi Boscán.

Kiến thức về văn hóa gốc (văn hóa Việt Nam) và văn hóa đến (nơi tác phẩm được tiếp nhận) giữ vai trò quan trọng thế nào trong việc truyền tải tác phẩm Truyện Kiều thông qua bản dịch ?

R. Lobarte: Mặc dù kiến ​​thức tốt về văn hóa Việt Nam là rất cần thiết, nhưng kiến ​​thức về văn hóa Đông Á nói chung và đặc biệt là văn học Trung Quốc cũng quan trọng không kém. Theo nghĩa này, tôi cho rằng tác phẩm của Nguyễn Du không thể bị thu hẹp trong phạm vi văn học Việt Nam, mà bên cạnh đó, tác phẩm được đặt trong lĩnh vực văn hóa rộng lớn hơn, là văn hóa phương Đông, rồi thông qua đó, tiến tới một lĩnh vực khác lớn hơn nữa, đó là nền văn học phổ quát.

Xin cám ơn dịch giả

Thực hiện: Nguyễn Thị Sông Hương

Paris, tháng 9 năm 2020

(1) Rafael Lobarte Fontecha sinh ở Zaragoza năm 1959, là nhà thơ và dịch giả Tây Ban Nha. Ông tốt nghiệp ngành Triết học và Văn học ở trường Đại học Zaragoza, hiện nay làm việc trong Chính phủ vùng tự trị Aragón. Ông là tác giả của các tập thơ Học cách cô đơn (1979), Nơi ở của Eros (2006), Mặt trời đen (2011), Mười hai vương miện trắng (2016), Sự chậm trễ của Sicilia (2017). Lí do để chờ đợi (2020). Là một dịch giả, ông đã xuất bản các bản dịch thơ như Epipsychidion (2008) và Thư gửi Maria Gistern và những bài thơ khác (2017) của nhà thơ Anh Percy B. Shelle, Tuyển tập thơ John Keats (2009), nhà thơ Anh, Truyện Kiều (2014) của nhà thơ Việt Nam Nguyễn Du, Thơ (2020) của Guido Cavalcanti, nhà thơ Ý.

(2) Truyện Kiều của Nguyễn Du đã từng được Nguyễn Mạnh Tứ dịch tiếng Tây Ban Nha, thực hiện ở Cuba vào những năm 1960, và được xuất bản ở Việt Nam vào 2012, bản dịch này không phổ biến ở châu Âu.

(3) Trong bài Món quà từ thượng giới – về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, đăng trên trang otroLunes, một tạp chí điện tử truyền bá tư tưởng trí tuệ và lao động sáng tạo của các nhà văn Mỹ Latinh và Tây Ban Nha.

 (4) Romance: thể thơ  bao gồm các nhóm 8 âm tiết với các cặp vần, có nguồn gốc từ lâu đời ở các nước dùng ngôn ngữ Latin, đặc biệt phát triển ở Tây Ban Nha, ban đầu là những bài ca dân gian khuyết danh, kể chuyện tình yêu, sử thi hay có màu sắc tôn giáo

Bản online: https://baohatinh.vn/van-hoc/dich-gia-rafael-lobarte-fontecha-dich-thuat-thuan-loi-hon-khi-yeu-va-ton-trong-tac-pham/199011.htm

This entry was posted in NGHIÊN CỨU VĂN HỌC. Bookmark the permalink.

Leave a comment