Nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học qua việc chuyển giao công nghệ và những yêu cầu mới đối với sự phát triển năng lực nghề nghiệp của người làm nghiên cứu trong trường đại học ở Pháp

(Nguyễn Thị Sông Hương) – Bài tham gia hội thảo quốc tế PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP CHO GIÁO VIÊN  VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC: XU HƯỚNG VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI”, Học viện Quản lý Giáo dục, 30/09/2016

Nghiên cứu khoa học là trung tâm của quá trình đổi mới và phát triển, cho nên việc nâng cao giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học trở thành vấn đề then chốt trong quá trình hội nhập, cạnh tranh khu vực và quốc tế. Trong một nền kinh tế tri thức khi cạnh tranh quốc tế thể hiện ở việc khai thác “chất xám” thì việc nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu là một thách thức lớn đối với khả năng cạnh tranh của quốc gia trong quá trình đổi mới.

Nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu, theo định nghĩa của Cục đánh giá quốc gia Pháp (CNE) là làm cho kết quả nghiên cứu, tri thức và năng lực nghiên cứu có thể sử dụng và có thể thương mại hóa. Hội đồng Khoa học và kĩ thuật Canada phân biệt hai dạng nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu: một bên là việc nâng cao giá trị tài chính, thương mại và kinh tế (hướng tới sản phẩm thương mại, ứng dụng kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ) và một bên là nâng cao giá trị xã hội của nghiên cứu (không có định hướng sản phẩm thương mại, phổ biến những giải pháp cho một vấn đề của xã hội, hay còn gọi là biến đổi xã hội). Bài viết đề cập đến việc nâng cao kết quả nghiên cứu khoa học ở phương diện thứ nhất.

Xu hướng quốc tế về sự phát triển mối quan hệ giữa khoa học với xã hội hay khoa học với các yêu cầu của xã hội, kéo theo yêu cầu mới về nâng cao giá trị nghiên cứu khoa học. Các chủ thể nghiên cứu phải đối diện với nhiều thách thức mới trong tình hình toàn cầu hoá, đa ngành hoá, kinh tế thị trường… Bài viết tập trung vào chủ thể nghiên cứu ở bậc giáo dục đại học, giới hạn ở bộ phận giảng viên-nghiên cứu viên (enseignant-chercheur), bao gồm các giáo sư và phó giáo sư[1] phân biệt với cán bộ nghiên cứu (chargé de recherche) hoặc giám đốc nghiên cứu (directeur de recherche)[2]làm việc trong các Đơn vị phối hợp nghiên cứu (UMR) nằm trong trường đại học, nhưng không phải là nhân sự của trường đại học mà là nhân sự của một tổ chức nghiên cứu bên ngoài.

  1. Nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học qua việc chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ của giảng viên-nghiên cứu viên

Trường đại học Pháp là đơn vị công lập với đặc thù về khoa học, văn hóa và chuyên nghiệp (EPSCP[3]). Trường  đại học là đơn vị nhà nước theo quy định tại Điều L123-3 của Luật Giáo Dục, với 6 nhiệm vụ cơ bản sau :

1) Đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao hay bổ sung

2) Nghiên cứu khoa học và công nghệ, phổ biến và khai thác các kết quả nghiên cứu trong việc phục vụ xã hội, dựa trên sự phát triển của sự đổi mới, chuyển giao công nghệ

3) Định hướng, xúc tiến xã hội và việc làm;

4) Truyền bá văn hóa nhân văn, đặc biệt là thông qua sự phát triển của con người và khoa học xã hội, khoa học và văn hóa, kỹ thuật và công nghiệp;

5) Tham gia vào việc xây dựng Khu vực Giáo dục đại học và nghiên cứu châu Âu;
6) Hợp tác quốc tế.

Trường đại học vốn là nơi sản sinh, làm mới và phổ biến tri thức khoa học, giữ vị trí hàng đầu trong việc phát triển các nghiên cứu có tính chất sáng tạo và đổi mới. Nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học, qua việc phổ biến và ứng dụng kết quả nghiên cứu, không chỉ nghiên cứu khoa học ứng dụng, mà cả nghiên cứu khoa học cơ bản, là một trong những nhiệm vụ cơ bản của các trường đại học, theo Điều L.123-3 của luật giáo dục Pháp, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu.

Đặc biệt, có những thay đổi đáng kể từ khi luật Giáo dục và Nghiên cứu bậc đại học năm 2013 ra đời liên quan đến việc đánh giá các hoạt động chuyển giao công nghệ như một nhiệm vụ của trường đại học.

Nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học cho phép phát triển hai chiều đối với tất cả các nhân tố của xã hội qua việc đưa trường đại học và người làm nghiên cứu tham gia vào đời sống khoa học, xã hội, kinh tế và chính trị.

Người giảng viên-nghiên cứu viên trong trường đại học có nhiệm vụ phát triển khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học giáo dục và khoa học công nghệ cũng như nâng cao giá trị của kết quả của các nghiên cứu khoa học đó. Họ tham gia vào phát triển khoa học và công nghệ qua việc kết nối với các tổ chức nghiên cứu lớn, và với các lĩnh vực xã hội và kinh tế. Họ đóng góp vào sự hợp tác giữa nghiên cứu giữa trường đại học với nghiên cứu trong công nghiệp và tất cả các ngành sản xuất.

Người giảng viên-nghiên cứu viên trong trường đại học có nhiệm vụ truyền bá văn hóa và thông tin khoa học và kỹ thuật. Nếu như ở phương diện nghiên cứu, tri thức đang trong quá trình kiến tạo, thì ở phương diện giảng dạy, tri thức tồn tại ở dạng hoàn thành, còn ở phương diện nâng cao kết quả nghiên cứu qua việc chuyển giao công nghệ, tri thức trở thành là một thành phẩm thương mại.  Họ đóng góp vào các cuộc đối thoại giữa khoa học và xã hội, vào sự tiến bộ của nghiên cứu quốc tế.

  1. Nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học qua việc chuyển giao công nghệ và động lực của giảng viên-nghiên cứu viên

Động lực là khái niệm được quan tâm đề cập ngày càng nhiều. Kleinginna và Kleinginna năm 1981, đã thống kê đã giảm 140 định nghĩa khác nhau, con số này thể hiện khó khăn để xác định vì sự phức tạp về nhiều mặt. Tuy nhiên, có vẻ đa phần các định nghĩa đều thống nhất ở điểm “động lực là khởi nguồn của hoạt động, hướng tới mục tiêu nhất định và kéo dài hành động, cho đến khi mục tiêu được đáp ứng “(Levy-Leboyer, 1981). Như vậy kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo phụ thuộc nhiều vào động lực của chủ thể đối với công việc đó.

Tác động tích cực hay hạn chế của việc nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển nghề nghiệp của giảng viên-nghiên cứu viên có ảnh hưởng đến động lực, thái độ của giảng viên-nghiên cứu viên đối với công việc này.

Lợi ích lớn nhất của việc chuyển giao công nghệ là mang lại nguồn tài chính cho người nghiên cứu. Ở Pháp, đối với mỗi hồ sơ chuyển nhượng, 50% doanh thu từ bằng sáng chế được trả cho người phát minh, 25% cho phòng thí nghiệm và phần còn lại cho trường.

Mặt khác, là người chuyển tải kiến thức, thông tin và kết quả nghiên cứu cho sinh viên, nghiên cứu sinh, qua việc giảng dạy và hướng dẫn đề tài nghiên cứu, một số giảng viên rất quan tâm đến việc kết nối với các công ty, và việc đăng ký bằng sáng chế, do nhu cầu tìm đường ra cho sinh viên, nghiên cứu sinh của họ.

Bên cạnh đó, những mặt hạn chế sau đây giải thích vì sao các nhà nghiên cứu nói chung và các giảng viên-nghiên cứu viên trong trường đại học ở Pháp né tránh, không cởi mở với việc chuyển giao công nghệ, hoặc chưa thật sự sẵn sàng làm việc đó.

Về phương diện khoa học, năng lực của giảng viên-nghiên cứu viên chủ yếu được đánh giá thông qua số lượng bài nghiên cứu được công bố, xuất bản, số lần được trích dẫn, số bài đăng trong một tạp chí chuyên ngành có ảnh hưởng lớn, số lần tham gia hội nghị, hội thảo khoa học uy tín.

Tổ chức đánh giá về nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (AERES, tiếp nối là HCERES[4]) đưa ra tiêu chí định lượng sau để đánh giá cán bộ nghiên cứu và giảng viên-nghiên cứu viên.

Lĩnh vựcCán bộ nghiên cứuGiảng viên-Nghiên cứu viên
Toán22
Lý, Hóa, Khoa học về Trái đất và Vũ trụ42
Khoa học về Kĩ thuật, Khoa học và Công nghệ về Thông tin và Giao tiếp32
Khoa học về Sự sống42
Khoa học về Con người và Xã hội42

Trong mỗi giai đoạn 4 năm, mỗi giảng viên-nghiên cứu viên cần có 2 (hoặc từ 2 đến 4 đối với cán bộ nghiên cứu) nghiên cứu xuất bản (hoặc đã được chấp nhận xuất bản) trong một tạp chí nghiên cứu chuyên ngành quốc tế có uy tín, có ảnh hưởng lớn. Việc đăng ký một bằng sáng chế, tham gia một chương sách hay một cuốn sách nghiên cứu có ảnh hưởng quốc tế được tính như là một xuất bản.

Mặt khác, việc đánh giá giảng viên tập trung vào hiệu suất trong việc nghiên cứu, qua đo lường thư mục, mà không xem xét nghiêm túc thời gian dành cho các công việc khác. Việc đánh giá này hướng giảng viên tập trung vào những nghiên cứu có lợi cho việc đánh giá, không thu hút họ tham gia tích cực vào quá trình nâng cao giá trị của kết quả nghiên cứu, thông qua việc chuyển giao công nghệ. Thật vậy, việc xuất bản nghiên cứu là thước đo danh tiếng và có ảnh hưởng tới sự nghiệp của người nghiên cứu. Người nghiên cứu trẻ mới vào nghề thường rất chú trọng xuất bản, vì xuất bản giúp họ tạo dựng tiếng tăm, giúp họ được thể được gia nhập những nhóm nghiên cứu tốt, giúp họ có được vị trí cao hơn trong môi trường nghiên cứu. Trong khi đó việc đăng ký văn bằng sáng chế mặc dù cũng là sản phẩm của nghiên cứu và được tính như một xuất bản trong mục đánh giá, nhưng không có cùng ảnh hưởng như xuất bản nghiên cứu nên ít được chú trọng hơn.

Mặt khác, thực hiện việc nghiên cứu trong liên kết với các ngành công nghiệp có một số hạn chế liên quan đến việc công bố các kết quả nghiên cứu, vốn là yếu tố đánh giá chuyên môn nghề nghiệp của giảng viên-nghiên cứu viên. Bí mật công nghiệp và cạnh

tranh kí kết với các công ty tham gia bắt buộc người làm nghiên cứu phải kiểm soát hoạt động xuất bản của họ. Mặc dù các bí mật thương mại là một yếu tố trung tâm của

mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, nó không phải lúc nào cũng được áp dụng một cách tuyệt đối. Trong nhiều trường hợp, các nhà nghiên cứu phải thay đổi thói quen ấn phẩm của mình bằng cách trì hoãn hoặc bằng cách lựa chọn các nội dung được được công bố. Trì hoãn việc xuất bản, đôi khi phải một vài năm để bảo toàn lợi thế cạnh tranh cho các công ty hoặc để họ có thời gian đăng ký bằng sáng chế. Do đó, hầu hết họ chỉ chọn công bố một vài phần riêng về kết quả.

Một cản trở khác đối với việc tham gia nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu là do những yêu cầu đặc biệt của nghề giảng viên-nghiên cứu viên trong điều kiện hiện tại. Nghị định số 2009-460 ngày 23 tháng tư 2009 quy định pháp lý chung đối với giảng viên về cường độ của các hoạt động nghiên cứu và điều kiện về khối lượng giờ dạy. Nhiệm vụ giảng dạy và nhiệm vụ quản lý giáo dục ngày càng nặng thêm, kể từ hơn 20 năm nay và đặc biệt là từ khi trường đại học công lập Pháp trở thành đơn vị tự chủ[5]. Giảng viên vừa phải đảm bảo số lượng giờ dạy, vừa phải thực hiện việc nghiên cứu, vừa phải kiêm thêm nhiều việc hành chính liên quan, nhất là khi thiếu nhân lực hành chính.

  1. Yêu cầu về năng lực của giảng viên-nghiên cứu viên trong những điều kiện mới về nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học

Theo Nancy Brassar, khi đúc kết về năng lực của giáo viên ở cấp đại học, một người được cho là có năng lực khi họ có thể huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài để đối phó với một bối cảnh hay một tình huống. Khả năng hành động này không bao giờ cạn, cho thấy sự phát triển của các năng lực tạo nên khả năng phản ứng đó.

Năng lực của giảng viên-nghiên cứu viên có thể được bổ sung và phát triển theo hoàn cảnh mới, theo những yêu cầu nghề nghiệp mới đặt ra, trong phạm vi lĩnh vực của nghề nghiên cứu, và đặc biệt mở rộng tới các lĩnh vực liên ngành.

1. Năng lực trong lĩnh vực nghiên cứu

  1. Năng lực nhìn xa, tiếp cận cái mới và bắt kịp sự phát triển của công nghệ tri thức

Khi nói đến các giá trị được tạo ra, không thế không nói đến yếu tố con người – con người với trí tuệ, nguồn lực tri thức và tiến triển không ngừng. Con người của ngày mai là con người của sáng kiến và ​​sáng tạo, hoạt động trong bối cảnh rộng. Khả năng đó biểu hiện trước hết ở việc tiếp thu các tri thức mới, tiếp nhận công nghệ mới, và phát triển kỹ năng. Khi nền kinh tế và xã hội phát triển dựa trên nền tảng của tri thức và sự hiểu biết, ở trong môi trường khoa học và công nghệ kỹ thuật cao, giảng viên-nghiên cứu viên hay cán bộ nghiên cứu càng phải bắt kịp sự phát triển của tri thức và công nghệ hiện đại, phát triển khả năng học hỏi và bồi dưỡng trí tuệ nhanh nhạy dể tiếp nhận những công nghệ tiên tiến hay những công nghệ mới hình thành, đồng thời khám phá những lĩnh vực mới, không chỉ giới hạn trong phạm vi kĩ thuật. Khả năng chuyển vị cho phép người làm nghiên cứu thích nghi với tình hình mới và chuyển dịch các cách tiếp cận từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác để mang lại một cái gì đó mới. Người làm nghiên cứu bác bỏ mô hình kiến thức bó hẹp và hữu hạn, mở các cánh cửa mới, mở rộng thế giới tri thức, chủ động phát hiện các xu hướng đang nổi lên và những thay đổi tiềm năng. Có thể nói nghề làm nghiên cứu là một nghề phát triển và đổi mới liên tục. Muốn cho ra đời những sản phẩm nghiên cứu có giá trị đổi mới hay giá trị thương mại, họ phải có khả năng phát hiện đề tài.

  • Năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp, không chắc chắn và biến động

Trong xã hội vận động, tính không chắc chắn trở thành một yếu tố tự nhiên trong hoạt động của con người và trong xã hội. Trong thế giới động và càng ngày càng có nhiều biến đổi đó, những người thành công là những người biết cách thích ứng nhanh. Sự thay đổi đòi hỏi khả năng thích nghi và linh hoạt.

Mặt khác, thế hệ nghiên cứu mới, trong đó có các giảng viên-nghiên cứu viên đại học, cần trang bị phát triển năng lực thích ứng với điều kiện thay đổi và bất ổn đó. Đối diện với biến động và bất ngờ, phản ứng tâm lý của một số người có thể là lo lắng, sợ hãi. Phản ứng của người làm nghiên cứu lại chính là sự tò mò và hứng thú với thay đổi. Nhìn xa, hưởng ngoại, thực tế và linh hoạt, họ biết làm thế nào để huy động nguồn lực bên ngoài và thích ứng với sự chuyển động của môi trường. Sự không chắc chắn được chấp nhận, trở thành nguồn sáng tạo. Người làm nghiên cứu nắm bắt cơ hội khi họ đánh giá các rủi ro. Họ tiếp nhận các bất ngờ, tiếp nhận cái mới, đối diện với thách thức, đi vào những nghiên cứu có tính rủi ro, cần trí tò mò và tư duy phê phán. Sự “mạo hiểm” đó có thể dẫn đến thất bại, nhưng cũng có thể đưa đến những đột phá trong đổi mới công nghệ, cho ra đời những sản phẩm khoa học, sản phẩm thương mại có tính bước ngoặt của sự phát triển.

  • Năng lực làm việc trong mạng lưới và khả năng phát triển mạng lưới ở tầm quốc tế

Người nghiên cứu cần thích nghi trong môi trường tập thể, để có thể phát triển và tập trung được cao nhất trí tuệ tập thể, kết nối các lĩnh vực kiến thức lớn. Sự nghiệp của một giảng viên-nghiên cứu viên hay cán bộ nghiên cứu bắt đầu bằng lao động cá nhân, nhưng càng tiến xa hơn, lao động của họ trở thành lao động có tính chất tập thể. Một luận án tiến sĩ không thể thiếu ý kiến của người hướng dẫn. Khi làm việc trong một dự án, người nghiên cứu cùng các đồng nghiệp, và cả các nghiên cứu sinh, cộng tác viên tham gia chung một đề tài. Điểm nổi bật nhất trong sự liên kết này là việc hình thành các Đơn vị phối hợp nghiên cứu (UMR) chung giữa trường đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), cho phép các giảng viên-nghiên cứu viên của trường và các cán bộ nghiên cứu của viện nghiên cứu khoa học làm việc cùng nhau. Một sản phẩm trí tuệ ra đời thường là kết quả lao động của một tập thể. Mạng lưới nghiên cứu không bó hẹp trong một tổ chuyên môn, một khoa, một trường hay chỉ trong môi trường giảng dạy, mà mở rộng liên kết với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu trong nước và trên thế giới.

Có thể nói thế giới nghiên cứu dựa trên sự tin tưởng. Đối với một người làm nghiên cứu, làm việc trong mạng lưới là điều tất yếu. Các nhà nghiên cứu cần biết tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Mặc dù cạnh tranh là không thể tránh khỏi, họ cần tìm kiếm sự hợp tác và đối thoại với các chuyên gia từ các ngành khác nhau. Sở hữu một sổ địa chỉ và một mạng lưới cho phép các nhà nghiên cứu tham gia vào một cách dễ dàng hơn trong các dự án nghiên cứu. Trong một nhóm làm việc, do sự phức tạp và tính chất đa ngành của công việc, việc kết nối các cá nhân, các cuộc thảo luận, xây dựng điều kiện tương tác là điều cần thiết. Năng lực cá nhân chuyển thành năng lực tập thể. Các nhà nghiên cứu ở đây có thể  đóng góp kinh nghiệm làm việc của họ ở phạm vi toàn cầu, và họ có khả năng tìm kiếm năng lực bất cứ ở đâu, phối hợp với các nhà nghiên cứu khác. Những ý tưởng độc đáo nảy sinh từ những quan điểm khác nhau, từ các ý kiến cùng chiều hay trái chiều. Khi họ đọc một bài báo, điều quan trọng không chỉ là nội dung của bài báo mà còn để biết nội dung đó được phát triển dựa trên quan điểm nào.

Về vấn đề toàn cầu hóa, ngày nay chúng ta nói về tri thức, về thị trường, về cạnh tranh ở tầm quốc tế, người làm nghiên cứu phải đối diện những những trở ngại về cách thức, về văn hóa và ngôn ngữ. Đối với nhiều nhà nghiên cứu, tính phổ quát của khoa học và của tri thức là cầu nối và trở thành ngôn ngữ chung. Ngôn ngữ phổ quát này là điểm tựa cho phép họ tham gia cộng tác với những người khác biệt về văn hóa và khác biệt trong cách làm việc.

  • Năng lực liên ngành

Năng lực tiếp cận và vận dụng kiến thức liên ngành là chìa khóa của sự đổi mới. Khả năng làm việc liên ngành được coi là năng lực quan trọng nhất hiện nay, cho đến năm 2020. Năng lực này, còn chưa được phát triển và làm chủ ở đội ngũ nghiên cứu khoa học, đóng vai trò quan trọng, thậm chí vị trí trung tâm trong hệ thống đào tạo. Nó cần phải được đặc biệt tăng cường trong các nhóm làm việc và / hoặc các phòng thí nghiệm để cải thiện hiệu suất của họ.

Nhiệm vụ nâng cao giá trị nghiên cứu khoa học còn đòi hỏi kiến thức và kĩ năng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, thương mại, quản lý, pháp luật, sở hữu trí tuệ, hợp đồng, đàm phán, giao tiếp, tiếp thị … Những người có khả năng làm việc thích hợp ở những vị trí này là những người có chuyên môn kép, vừa có hứng thú với việc nghiên cứu khoa học, hiểu rõ môi trường các công ty và môi trường trường đại học.

  1. Khả năng xây dựng liên kết đại học – doanh nghiệp

Việc chuyển giao và ứng dụng các kiến ​​thức trước hết thông qua các mối quan hệ trực tiếp giữa các nhà nghiên cứu và các công ty và vị trí của sinh viên trong thị trường lao động. Năng lực này liên quan đến khả năng làm việc trong môi trường tập thể như đã đề cập ở trên, nhưng tập trung hơn vào một môi trường đặc thù, là mối quan hệ trường đại học và doanh nghiệp.

Mối quan hệ và việc tham gia vào một mạng lưới năng động với thế giới doanh nghiệp, công nghiệp giúp cho các giảng viên-nghiên cứu viên có thể dễ dàng trao đổi thông tin và có thể tham gia các dự án nghiên cứu hoặc theo sáng kiến ​​riêng của mình hoặc theo yêu cầu nhà sản xuất. Mỗi giảng viên-nghiên cứu viên cần trang bị một “cuốn sổ địa chỉ” các đối tác doanh nghiệp. Việc “hợp tác tốt”, cho phép hai bên tôn trọng các lợi ích và cách làm đặc thù của mỗi bên, nắm vững các mục tiêu hoạt động, chia sẻ phương pháp nghiên cứu, có thể xác định và lường trước những khó khăn trong quá trình hợp tác nghiên cứu ở một đề tài nhất định.

  • Năng lực xây dựng hệ thống quản lý khoa học và công nghệ dựa trên cơ sở hợp đồng

Quan hệ đối tác nghiên cứu giữa trường đại học và môi trường bên ngoài (doanh nghiệp, hội đoàn, nhà nước…) chủ yếu thông qua hai loại hợp đồng cơ bản sau:

– Thỏa thuận cung cấp dịch vụ : Đối tác tài trợ toàn bộ chi phí nghiên cứu và không trực tiếp tham gia vào nghiên cứu. Trong trường hợp này, việc nghiên cứu tập trung chủ yếu vào nhu cầu của đối tác và bắt buộc phải có kết quả. Các điều kiện của hợp tác có thể cần chặt chẽ hơn (phân phối, thời gian biểu, bảo mật, sở hữu trí tuệ).

– Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu : là sự kết hợp về tài chính, vật chất, nhân lực và nguồn kiến thức của một đối tác bên ngoài với các trường đại học để thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học trong khoảng thời gian từ 2 đến 5 năm. Các trường đại học thông qua nhóm nghiên cứu vận dụng các phương tiện để cố gắng đạt được kết quả tìm kiếm. Các nghiên cứu hợp tác thường tập trung vào các nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu tiền cạnh tranh. Hợp đồng này cũng bao gồm các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu và khai thác các kết quả thu được và xuất bản phẩm.

Các hợp đồng giúp cho việc hợp tác được hợp thức hóa, bảo đảm quyền lợi của đôi bên, và đảm bảo việc giao tiếp và trao đổi thông tin một cách an toàn. Người đại diện phía trường đại học cần thận trọng trong việc thỏa thuận các điều khoản để đảm bảo lợi ích tốt nhất của các trường đại học (đánh giá chi phí, sở hữu trí tuệ, khai thác kết quả). Ví dụ với các thỏa thuận cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp cần chi trả hết các khoản chi phí trực tiếp và gián tiếp, còn trong các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, cần thỏa thuận để đối tác ít nhất là phải chi trả hết phần chi phí trực tiếp. Liên quan đến việc sở hữu chung kết quâ nghiên cứu, các phòng thí nghiệm của trường cần thương lượng để có thể công bố một phần kết quả… Những điều này đòi hỏi người giảng viên-nghiên cứu viên là chủ dự án phải làm việc với các đơn vị liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các chính sách về hợp tác nghiên cứu của trường, đồng thời họ cần có năng lực đàm phán.

Bên cạnh đó, việc quản lý tài chính dùng cho nghiên cứu khoa học thông quan dự án và việc cấp kinh phí thông qua hình thức đấu thầu, ví dụ điển hình là các dự án do Hãng nghiên cứu quốc gia (ANR) quản lý, làm nặng thêm công việc của các nhà nghiên cứu và đòi hỏi những năng lực liên ngành khác. Để tham gia đấu thầu các dự án của Hãng nghiên cứu quốc gia, các nhà nghiên cứu phải xây dựng hồ sơ và lập dự án nghiên cứu – bao gồm lịch, dự tính về tài chính và lợi ích khoa học có thể đem lại. Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu phải tuân thủ các điều kiện của hợp đồng về thời gian bàn giao báo cáo nghiên cứu giữa kỳ và cuối kỳ, thời hạn gửi hóa đơn yêu cầu thanh toán kinh phí, các khoản chi tiêu cho phép, bảo mật và sở hữu trí tuệ, báo cáo tài chính giữa kỳ và cuối kỳ…

  • Năng lực quản lý dự án

Như trên đã đề cập, việc phân phối tài chính theo hình thức dự án đòi hỏi người nghiên cứu phải đồng thời là “quản trị viên” hay người quản lý.

Theo định nghĩa truyền thống, quản lý dự án là tập trung vào việc thực hiện các dự án. Hiện nay việc quản lý dự án còn nhằm vào cách thức tổ chức sử dụng nhằm đạt được mục tiêu chiến lược. Do đó cần quan tâm từ việc tuân thủ ngân sách, lịch trình, tiến độ và thông số kỹ thuật để đi đến hiệu quả. Việc quản lý dự án bao gồm cả quán lý ngân sách, quản lý nhân sự…

– Người chủ nhiệm một dự án nghiên cứu cần xác định mục tiêu, chỉ tiêu và các yếu tố thành công cũng như dự đoán trước được rủi ro của một dự án, vận dụng hiệu quả các phương pháp và công cụ để đưa đến thành công.

– Về mặt tài chính, trước hết người làm nghiên cứu cần biết cách tìm kiếm nguồn tài trợ, từ việc tìm hiểu các nhà tài trợ và các khả năng tài trợ trong lĩnh vực chuyên môn của họ (tài trợ công nước, tài trợ tư, tài trợ trong nước, tài trợ quốc tế, nguồn nhà nước, doanh nghiệp, hội đoàn…), tìm kiếm và tham gia đấu thầu. Tiếp đó, người quản lý dự án nghiên cứu cần có kiến thức về quản lý tài chính công về cả ba phương diện: ngân sách, nguồn thu và nguồn chi, một mặt phải tuân thủ quy định của hợp đồng, một mặt phải tuân thủ quy định của tài chính nhà nước về thu và chi.

– Yếu tố con người là yếu tố quan trọng của một dự án. Người chủ nhiệm dự án không chỉ cần thu hút được các nhà khoa học tham gia dự án và còn phải biết đánh giá đúng năng lực của từng người tham gia và khuyến khích họ, biết cách giải quyết mâu thuẫn và xung đột có thể xảy ra, biết điều phối khi các cộng tác viên làm việc ở những địa điểm khác nhau, thậm chí là đến từ các nền văn hóa khác nhau.

Những thay đổi trong phạm vi quản lý dự án và vai trò của nó làm thay đổi những yêu cầu về kỹ năng cần thiết trong vai trò người quản lý dự án và người quản trị dự án. Những vai trò chủ chốt nhất không phải vai trò kỹ thuật. Vấn đề lãnh đạo và quan điểm chiến lược trở nên quan trọng hơn. Ngoài ra, một số vai trò mới được tạo ra, nhất là những vai trò liên quan đến việc quản lý đa dự án và quản lý chương trình.

Mặt khác, nghiên cứu hợp đồng và /hoặc nghiên cứu hợp tác nghiên cứu, cùng với sự xuất hiện của nghiên cứu thông qua hình thức dự án làm thay đổi chương trình của việc nghiên cứu. Việc này dường như luôn luôn gặp phải những hạn chế về thời gian:  thời hạn thực hiện, thời hạn bàn giao kết quả. Các dự án nghiên cứu đan xen làm tăng tần số các cuộc họp, ví dụ với Ban chỉ đạo dự án, với Ban giám sát, với Ban kỹ thuật của đối tác…đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải tham gia đàm phán kỹ thuật, thuyết trình dự án tài chính, thuyết trình kỹ thuật cho các kỹ sư. Những cuộc họp này cũng đòi hỏi cả khả năng thích ứng và khả năng giao tiếp với khán giả đa dạng; cũng như năng lực quản lý để đối phó với tổ chức mới này, khả năng giải quyết nhanh các vấn đề.

  • Khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường và năng lực tiếp thị

Xã hội của chúng ta vận hành phụ thuộc vào các vấn đề về xã hội, kinh tế, công nghệ, môi trường đang dần toàn cầu hóa và trở nên phức tạp… Sự thành công của một ứng dụng không chỉ là thành công về mặt công nghệ, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tiếp nhận của người tiêu dùng và các dịch vụ liên quan. Giảng viên-nghiên cứu viên, người tạo ra sản phẩm nghiên cứu muốn sản phẩm của mình đến được với người tiêu dùng thì cần trang bị cho mình khả năng nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng và khả năng tiếp thị sản phẩm. Nếu người tiêu dùng thờ ơ với các sản phẩm mới và dịch vụ mới, sự dè dặt trong việc tiếp nhận có thể dẫn đến tình trạng sản phẩm công nghệ mới có nguy cơ thất bại.

Ngoài ra, với việc nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học qua việc chuyển giao công nghệ, người giảng viên-nghiên cứu viên cần đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu của ngành công nghiệp. Thật vậy, do kết quả tìm kiếm có thể được áp dụng bởi các nhà sản xuất, các nhà nghiên cứu phải tính đến một số đặc điểm cụ thể cho ngành công nghiệp, chẳng hạn như tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn chất lượng (đặc biệt là thực hiện theo tiêu chuẩn ISO (một tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa) hoặc HSE (Sức khỏe, an toàn, môi trường), cần thiết cho việc “chứng nhận” các sản phẩm công nghiệp. Các nhà nghiên cứu phải tuân thủ bản đề cương kĩ thuật do phía doanh nghiệp thiết lập ra.

  1. Hỗ trợ giảng viên-nghiên cứu viên trong việc nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu
  2. Hỗ trợ về mặt chính sách và công cụ

Nhiều nước công nghiệp từ những năm 1980 đã thiết lập các chính sách phát triển nghiên cứu công, giao cho các trường đại học chức năng khởi xướng dự án có tính chất sáng tạo, đổi mới : cho phép các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu công khai thác các kết quả nghiên cứu ; tạo ra các mạng khoa học và công nghệ, liên kết doanh nghiệp và các trường đại học ;  củng cố vị trí của các nhà nghiên cứu để giúp họ trở thành doanh nhân ; thành lập tổ chức hỗ trợ nghiên cứu và tài trợ cho các dự án sáng tạo. Thương mại hóa các nghiên cứu trở thành một chủ đề phổ biến của đổi mới kinh tế.

Các trường đại không chỉ đóng vai trò nguồn đóng góp cho kho tàng kiến ​​thức mà ngày một đóng góp nhiều hơn cho các phát minh. Ở Pháp, nghiên cứu khoa học cơ bản rất xuất sắc, nhưng Pháp chỉ đứng thứ 6 trên thế giới về xuất bản, đứng ở vị trí thứ 12 về số lượng bằng sáng chế quốc tế theo bình quân đầu người. Ví dụ trong công nghệ nano, Pháp hàng năm xuất bản nhiều hơn Hàn Quốc số lượng bằng sáng chế chỉ bằng 1/8. Việc thành lập và đưa dịch vụ chuyển giao công nghệ hoạt động một cách có hiệu quả trong các trường đại học và các viện nghiên cứu vẫn còn là một vấn đề quan trọng cần được nhà nước quan tâm nhiều hơn và có chính sách phù hợp.

Như trên đã đề cập, giảng viên-nghiên cứu viên cần thiết phải trang bị các kĩ năng liên ngành. Tuy nhiên do hạn chế về thời gian, vì cần tập trung vào giảng dạy và nghiên cứu và do những yêu cầu vượt ra ngoài khả năng chuyên ngành, họ cần được trợ giúp từ bên ngoài. Christian Dagenais et Valéry Ridde ở trường đại học Montréal (Canada), đã nhận định khi bàn về câu hỏi “Các nhà nghiên cứu có đủ năng lực để thực hiện việc chuyển giao (công nghệ) ?”: “Thật không may, chúng ta phải thừa nhận rằng, mặc dù họ có thiện chí tốt và có những kỹ năng không thể phủ nhận nhưng các nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh không được đào tạo đầy đủ để làm công việc truyền tải kết quả nghiên cứu vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng nghiên cứu ».

Đổi mới không chỉ là công việc của riêng các nhà khoa học và các kỹ sư, đổi mới cũng là công việc của cán bộ quản lý giáo dục, nghiên cứu và cán bộ hành chính. Một nghề mới được hình thành với đội ngũ những người có chuyên môn và kinh nghiệm chuyên sâu có thể đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ kết quả nghiên cứu.

Họ là các chuyên gia:

  • quan tâm đến nghiên cứu khoa học
  • hiểu biết đồng thời môi trường đại học và môi trường doanh nghiệp, trở thành trung gian và làm cầu nối cho giảng viên với thế giới doanh nghiệp
  • có năng lực đàm phán và soạn thảo hợp đồng theo điều kiện cụ thể của từng hợp tác
  • hiểu biết về luật Khoa học và công nghệ, luật Sở hữu trí tuệ, luật Chuyển giao công nghệ,
  • có chuyên môn sâu về đăng ký bản quyền, văn bằng sáng chế, công bố phát minh, bảo vệ thành quả nghiên cứu, định giá, chuyển giao công nghệ…

Để thu hẹp khoảng cách giữa các phát minh và thương mại, các trường đại học đã thành lập “dịch vụ chuyển giao công nghệ”. Luật 12 tháng 7 năm 1999 (luật Allègre về nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học) cho phép thành lập Ban quản lý hoạt động công nghiệp và thương mại (SAIC[6]) trong các trường đại học Pháp, đồng thời cho phép các nhà nghiên cứu đóng góp cho sự phát triển của các lợi ích kinh tế của nghiên cứu công, bao gồm cả việc tạo ra các start-up. Ban quản lý hoạt động công nghiệp và thương mại có nhiệm vụ hỗ trợ cho các giảng viên-nghiên cứu viên trong việc xây dựng dự án nghiên cứu ; thương lượng nguồn tài chính, thỏa thuận các điều khoản với các chủ thể kinh tế-xã hội, soạn thảo hợp đồng, chuẩn bị cho việc kí kết và quản lý hành chính và pháp lý các hợp đồng dự án nghiên cứu cho đến khi dự án hoàn toàn kết thúc ; phát hiện dự án, thông tin về sở hữu trí tuệ, tăng cường và khai thác quyền sở hữu trí tuệ (bằng sáng chế, giấy phép và bản quyền …), hỗ trợ thành lập công ty, liên kết với công ty sở hữu công nghiệp ; nâng cao nhận thức, đào tạo và hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sinh viên, nghiên cứu sinh, tiến sĩ…

Về mặt thương lượng hợp đồng và thiết lập dự án

Nếu hợp đồng nghiên cứu là phương tiện tài trợ cho nghiên cứu, thì các hợp đồng cũng tạo ra rất nhiều thủ tục giấy tờ hành chính. Những chuyên gia trong công việc thương lượng nguồn tài chính và kí kết hợp đồng là những người biết rõ các cơ quan tài trợ, các công ty,  các đơn vị của Ủy ban châu Âu và Chính phủ. Họ giúp các phòng thí nghiệm trong việc:

  • tăng cơ hội thành công trong việc thương lượng nguồn tài chính
  • tối đa hóa các nguồn vốn và tăng khả năng chuyển giao kết quả.
  • kiểm tra các điều kiện tài chính của hợp đồng cho phù hợp với chính sách đại học.

Về mặt quản lý tài chính cho dự án

Một hợp đồng kéo dài trung bình ba năm với nhiều công việc phức tạp và tốn thời gian (phân chia và cân đối ngân sách theo từng năm, từng hạng mục chi tiêu, mở dự án và mở mục tài chính trong phần mềm quản lý tài chính, lập và gửi hóa đơn, liên lạc với nhà tài trợ và theo dõi các khoản tiền tài trợ rót vào, theo dõi thu chi, kiểm tra và xác nhận bản tính lương về tuyển nhân sự, thiết lập các báo cáo tài chính và tổng kết tài chính để chứng minh các khoản chi, tổng kết, kết thúc dự án…) Người quản lý có một cái nhìn tổng quan hợp đảm bảo tính liên tục trong quá trình quản lý. Việc giao việc quản lý dự án cho các chuyên gia có thể giúp cho giảng viên-nghiên cứu viên tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Tính đến giữa năm 2016, ban quản lý tài chính dự án nghiên cứu của trường Đại học Paris 6, trường đại học công lập số 1 ở Pháp trên bảng xếp hạng Thượng Hải, tập trung quản lý hơn 1600 dự án nghiên cứu của hơn 100 phòng thí nghiệm, với nguồn tài chính dự án là hơn 60 triệu EUR mỗi năm, kí kết với chính phủ, với các doanh nghiệp, với các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học khác, các hội đoàn… trong nước hay quốc tế.

Về mặt chuyển giao công nghệ và thành lập công ty phát triển sản phẩm nghiên cứu

Vai trò của nhà nghiên cứu là làm « chín muồi » các phát minh, cho ra thành phẩm sáng tạo, còn việc đàm phán quyền sở hữu, soạn thảo bằng sáng chế, đăng ký, “licensing” (cấp phép), và những công việc liên quan đến pháp lý và tài chính có thể giao cho công ty chuyên về gia tốc chuyển giao công nghệ (SATT). Đây là một công ty con của một hay nhiều trường đại học và tổ chức nghiên cứu, được thành lập thông qua các chương trình Đầu tư cho tương lai [7]của chính phủ Pháp với quỹ tài chính 856 triệu euro, chịu trách nhiệm phát hiện và đánh giá các phát minh từ các phòng thí nghiệm nghiên cứu của nhà nước và chuyển giao cho các công ty. Nhiệm vụ của SATT là khám phá, áp dụng kỹ năng nghiên cứu vào ứng dụng thực tế và đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Hoạt động của SATT là phụ trách phần bằng sáng chế, thành lập các start-up, licensing… Tính đến năm 2016, Pháp đã có 14 công ty SATT được thành lập.

  • Hỗ trợ bằng việc quan tâm tới khả năng phát triển nghề nghiệp của giảng viên- nghiên cứu viên

Nhà nước và các đơn vị liên quan cần có tiêu chuẩn khuyến khích các nhà nghiên cứu trường đại học qua việc công nhận đúng mức đóng góp của các hoạt động của họ trong việc nâng cao giá trị nghiên cứu khoa học thông qua việc chuyển giao công nghệ, nhất là về mặt tiêu chí đánh giá danh tiếng nghề nghiệp của họ. Tiêu chí đánh giá cần dựa trên cả tiêu chí chất lượng chứ không chỉ tiêu chí về nghiêng số lượng.

Nghiên cứu nhà nước đang trải qua những thay đổi sâu sắc. Động cơ của các nhà nghiên cứu và sự nhiệt tình của họ không thay đổi, nhưng thời gian dành cho nghiên cứu giảm đáng kể do nhu cầu tìm kiếm tài chính bên ngoài, do các hồ sơ cồng kềnh phức tạp làm tiêu tốn thời gian nghiêm trọng cho nhiệm vụ hành chính và quản lý, cùng với việc chia thời gian bắt buộc đối với nhiệm vụ giảng dạy, cộng với áp lực của việc đánh giá cá nhân thông qua các tiêu chí nghiên cứu.

Cần nhấn mạnh rằng các hoạt động nghiên cứu của giảng viên-nghiên cứu viên diễn ra chủ yếu trong các Đơn vị phối hợp nghiên cứu chung (UMR), nơi các giảng viên-nghiên cứu viên và các cán bộ nghiên cứu, những người có 100% thời gian cho nghiên cứu, cùng làm việc chung. Để giảng viên-nghiên cứu viên có thể có những nghiên cứu chất lượng, và để họ quan tâm hơn đến việc nâng cao giá trị nghiên cứu thông qua chuyển giao công nghệ, cần xem xét việc cân đối lại tỷ lệ thời gian dành cho nghiên cứu và một dành cho việc tìm kiếm nguồn tài trợ, giảng dạy, đánh giá sinh viên, nghiên cứu sinh và nhiệm vụ hành chính. Đây là vấn đề mà chính phủ Pháp cần quan tâm hơn nữa để đẩy mạnh việc nâng cao nghiên cứu khoa học nói chung và nâng cao giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học nói riêng.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét những mặt hạn chế của việc chuyển giao công nghệ. Tự do khoa học là một vấn đề căn bản của nghiên cứu khoa học. Quyền tự chủ của các nhà nghiên cứu được đặc trưng bởi một sự tự do trong việc lựa chọn đề tài nghiên cứu, được làm chủ thời gian biểu và tiến độ công việc, được công bố kết quả nghiên cứu. Quyền tự chủ này có thể bị suy yếu một phần bởi số lượng ngày càng tăng của các thỏa thuận công nghiệp và hợp tác, với những điều kiện về việc sử dụng nguồn tài chính, điều kiện tuyển dụng người tham gia, điều kiện sở hữu trí tuệ, yêu cầu chuyên giao bản quyền, bí mật kết quả nghiên cứu…

Mặt trái của việc chuyển giao công nghệ còn là nguy cơ sau đó giảng viên-nghiên cứu viên tập trung và ưu tiên các kết quả nghiên cứu nhất định đã có chứ không chú trọng tiến hành các nghiên cứu mới hoặc tạo ra tri thức mới. Mặt khác, với những người tham gia vào việc lãnh đạo công ty, công việc song song đó sẽ chiếm thêm thời gian và có nguy cơ trở thành hoạt động chính của họ, có thể dẫn đến bỏ bê hay ủy thác hay từ bỏ hoàn toàn công việc giảng dạy và nghiên cứu.

Nếu quá chú trọng vào mục đích chuyển giao công nghệ có thể có nguy cơ làm biến đổi bản chất của nghiên cứu: quy gọn phạm vi nghiên cứu vào nghiên cứu ứng dụng, và biến người nghiên cứu thành doanh nhân…

Bài toán đòi hỏi cần tìm ra sự cân bằng.

Tài liệu tham khảo

Adnot P. (10/05/2006). La valorisation de la recherche dans les universités. Rapport d’information fait au nom de la Commission des finances n° 341 (2005-2006)

AERES (2012). Critères d’indentification des chercheurs et enseignants-chercheurs » produisant en recherche et valorisation.

Bart D.(2008). Les modes de valorisation de la recherche en Sciences de l’Education et le développement professionnel des enseignants chercheurs de la discipline

Brassard N. (2016). Profil de compétences de l’enseignant de niveau universitaite, Ecole nationale d’administration publique Canada.

Carayol N. (2006). La production de brevets par les chercheurs et enseignants-chercheurs. Le cas de l’université Louis Pasteur, persee.fr

Chaivigné C., Coulet J.C. (Juillet- Septembre 2010). L’approche par compétences un nouveau paradigme pour la pédagogie universitaire, Revue française de pédagogie

Dagenais C, Ridde V. (11/2015) Le transfert des connaissances scientifiques, «c’est bien, mais c’est pas encore arrivé… », Dossier Transfert, acfas.ca

Esselin S. (2014) Quels leviers pour inciter l’enseignant-chercheur à la valorisation de la recherche ?, marks-clerk.fr

Grise A. (2005). La valorisation de la recherche universitaire – Clarification conceptuelle, Conseil de la science et de la technologie, Québec, Canada

Harfi M., Lallement R. (2016). Quinze ans de politiques d’innovation en France, Rapport de la Commission nationale d’évaluation des politiques d’innovation

Kleinginna P. Kleinginna A. (1981). A categorized list of motivation definitions, with a suggestion for a consensual definition, Motivation and emotion

Laperche B, Uzunidis D. (2010). La valorisation de la recherche publique en France et la question de l’université, RRI, Document de travail n° 16

Milot P. (2005). La commercialisation des resultats de recherche universitaire : une revue de la littérature, Université Montréal de Québec

Renaud M. (2012). L’émergence de la recherche contractuelle : vers une redéfinition du travail des chercheurs ?, Mouvements 2013/3 (n°71)


[1] Giảng viên-nghiên cứu viên là chuyên gia về một bộ môn khoa học chủ đạo ở một trường đại học cụ thể. Để trở thành giảng viên-nghiên cứu viên cần qua ít nhất 8 năm học, trong đó có 3- 4 năm cho luận án tiến sĩ, phải được đăng ký vào danh sách quốc gia về trình độ của Hội đồng Đại học Quốc gia (CNU), sau đó tham gia cuộc thi tuyển dụng do các trường đại học tổ chức vào các vị trí Maitre de conférence (hệ thống giáo dục Việt nam không có chức vụ tương ứng, tạm coi là tương đương phó giáo sư). Để trở thành Professeur (Giáo sư) thì cần bảo vệ thành công chứng chỉ Quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh HDR (Habilitation à Diriger des Recherches).

Trong trường đại học ở Pháp, nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học không tách rời. Khái niệm giảng viên-nghiên cứu viên (enseignant-chercheur) xuất hiện lần đầu tiên ở Pháp trong nghị định về giáo dục đại học số 84-431. Đây là một từ chỉ nghề nghiệp đặc thù ở Pháp, không có trong các ngôn ngữ khác, để phân biệt với những người chỉ làm nghiên cứu, không có nhiệm vụ giảng dạy, thường làm việc trong các viện nghiên cứu và những người chỉ làm công tác giảng dạy trong trường cấp 2 và cấp 3, không có nhiệm vụ làm nghiên cứu. Một giảng viên-nghiên cứu viên mỗi năm làm việc khoảng 1 607 giờ (35 giờ mỗi tuần trên tổng số 46 tuần), được phân chia như sau:  – một nửa thời gian cho hoạt động giảng dạy, trong đó số giờ đứng lớp mỗi năm giới hạn 128 giờ (mỗi giờ dạy tương đương với 4,2 giờ hành chính do các công việc liên quan xung quanh như soạn bài, chấm bài…); – một nửa thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

[2] Cán bộ nghiên cứu trong trường đại học chủ yếu là nhân sự của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học  Pháp (CNRS), tham gia vào các đề tài nghiên cứu ở các Đơn vị phối hợp nghiên cứu (UMR), không có nhiệm vụ giảng dạy, thời gian dành cho nghiên cứu là 100%. Một đơn vị phối hợp nghiên cứu chung là một thực thể hành chính được tạo ra qua việc ký kết một thỏa thuận hợp tác giữa một hay một số phòng thí nghiệm nghiên cứu của một tổ chức giáo dục đại học (nhất là các trường đại học) hoặc một tổ chức nghiên cứu, với Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học  Pháp (CNRS). Thời hạn của hợp đồng là 5 năm.

[3]EPSCP: Etablissement à carractère scientique, culturel et professionel

[4] AERES: Agence d’évaluation de la recherche et d’enseignement supérieur

HCERES: Haut Conseil de l’évaluation de la recherche et de l’enseignement supérieur

[5]Luật số 2007-1199 ngày 10 tháng 8 năm 2007 là Luật về Tự chủ và Trách nhiệm của trường đại học (LRU) nhằm chuyển giao cho các trường đại học việc quản lý ngân sách và tài chính cho các cơ sở của họ (trước đây được quản lý bởi nhà nước), nhằm cải cách bộ máy quản trị và cải thiện hiệu suất.

[6]Ban quản lý hoạt động công nghiệp và thương mại (SAIC: Service des Activités Industrielles et Commerciales), quản lý các dự án công nghiệp và thương mại, tức các dự án kí kết với các doanh nghiệp tư nhân. Riêng ở trường đại học Paris 6 UPMC, là ban quản lý hoạt động công nghiệp và hợp đồng (SAIC: Service d’activités Industrielles et Contractuelles), quản lý đồng thời các dự án kí kết với tư nhân và dự án với nhà nước, thông qua hình thức hợp đồng.

[7] Quỹ Đầu tư trong tương lai (Investissement d’Avenir) là một chương trình đầu tư nhà nước Pháp, bắt đầu vào năm 2010 và vẫn còn tiếp diễn trong năm 2016, được quản lý bởi Ủy ban chung về đầu tư, với tổng số là 47 tỷ EUR. Một phần nhỏ trong số tiền này là các khoản tài trợ, phần còn lại là các khoản vay hoặc đầu tư mà chỉ có phần lãi được đem ra sử dụng. Quỹ hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu đổi mới, sáng tạo của các viện nghiên cứu công nghệ (IRT), Bệnh viện Đại học (IHU), Công ty về tăng tốc chuyển giao công nghệ (SATT)… Đó là một dự án lớn với tham vọng của Chính phủ, hướng tới trong những thách thức lớn đối với nước Pháp hiện nay và những gì sẽ làm nên sức mạnh của Pháp vào ngày mai, với việc :

  • đầu tư cho giáo dục đại học và dạy nghề, cho nghiên cứu, cho công nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • đầu tư   phát triển bền vững trong tất cả các khu vực của tương lai tăng trưởng như kỹ thuật số, công nghệ sinh học và hạt nhân.
  • đầu tư để tận dụng tối đa sự phục hồi kinh tế và trở lại con đường tăng trưởng mạnh và bền vững. Khuyến khích nghiên cứu và đổi mới và đưa nước Pháp nghiêng về xã hội của tri thức.

Paris, 02.07.2016

SH.

This entry was posted in NGHIÊN CỨU VĂN HÓA, LỊCH SỬ, GIÁO DỤC. Bookmark the permalink.

Leave a comment